Phòng ngừa dị ứng và hen ở trẻ

PGS.TS Lê Thị Minh HươngTrưởng Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dị ứng và hen có xu hướng gia đình. Nếu sinh ra trong gia đình có một hoặc cả bố lẫn mẹ bị dị ứng và hen thì khả năng trẻ dễ bị dị ứng và hen.

Những khuyến cáo sau sẽ mô tả những biện pháp có thể thực hiện để làm chậm hoặc ngăn ngừa các biểu hiện dị ứng và hen ở trẻ.

Phòng ngừa dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn ở trẻ em có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng cả về hình thái và mức độ nặng nhẹ: từ chàm, eczema, mề đay… tới sốc phản vệ, đe dọa sự sống. Để ngăn ngừa dị ứng thức ăn trẻ có nguy cơ cao, các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất từ 4 - 6 tháng tuổi. Sữa mẹ tăng cường hệ miễn dịch của trẻ và hiếm khi tạo ra phản ứng dị ứng. Trường hợp trẻ không được bú sữa mẹ, cho trẻ ăn các sản phẩm sữa công thức đạm phân hủy một phần. Sau 5 - 6 tháng tuổi mới cho trẻ ăn dặm; khi bắt đầu ăn dặm, cho trẻ ăn gạo, thịt và rau quả. Nên ăn thử từng loại thức ăn vào một thời điểm để bố mẹ có thể theo dõi và xác định được thức ăn nào có khả năng gây dị ứng. Sau một tuổi có thể bổ sung thêm sữa công thức, mì, ngô, cam, quýt và đậu nành. Lúc 2 tuổi, trẻ có thể ăn trứng và sau 3 tuổi mới nên ăn cá và lạc.

Phòng ngừa dị ứng môi trường và hen

Một số chất bay trong không khí có thể gây ra triệu chứng dị ứng, hen. Nếu trong giai đoạn đầu của cuộc sống, trẻ giảm tiếp xúc với các chất này thì có thể làm giảm hoặc ngăn chặn bùng phát triệu chứng hen và dị ứng. Kiểm soát tốt bọ mạt ở trong nhà bằng cách sử dụng vỏ gối, vỏ đệm bằng nhựa có khóa. Không dùng thảm, các đồ chơi thú nhồi bông và vật dụng bám bụi trong phòng và giường của trẻ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Quan điểm về mối liên quan giữa việc trẻ tiếp xúc sớm với động vật và tiến triển dị ứng, hen phế quản vẫn chưa rõ ràng. Một số cho rằng khi tiếp xúc sớm với động vật có thể làm cho trẻ có xu hướng tiến triển thành dị ứng, hen; số khác lại chỉ ra rằng khi phơi nhiễm ở giai đoạn sớm của cuộc sống với động vật (chó, mèo, gia súc) có thể bảo vệ trẻ khỏi tiến triển thành các bệnh này.

Bên cạnh đó, cần lưu ý, bà mẹ mang thai hút thuốc sẽ làm tăng khò khè trong suốt thời kỳ trẻ bú mẹ. Trẻ hút thuốc lá thụ động có tỷ lệ tiến triển thành hen và các bệnh hô hấp mãn tính khác tăng. Do đó, vấn đề tránh cho trẻ không bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trước và sau sinh là rất quan trọng. Viêm nhiễm đường hô hấp là một tác nhân phổ biến kích phát bệnh hen. Tăng cường hệ miễn dịch của trẻ rất hữu ích trong việc tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp và bệnh hen.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần