Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm, bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận khám gần 20.000 trường hợp chấn thương, chủ yếu do tai nạn giao thông.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, phần lớn các trường hợp gãy xương thường không gây ra nhiễm trùng. Các bước phòng ngừa nhiễm trùng bắt đầu từ trước cuộc mổ.
Bác sĩ sẽ đảm bảo là không có nhiễm trùng nào hiện diện có thể làm ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật. Nếu bệnh nhân có nhiễm trùng da, viêm bàng quang, hay bất kỳ nhiễm trùng nào khác, cuộc mổ sẽ hoãn cho đến khi nhiễm trùng được điều trị và kiểm soát tốt.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Trong trường hợp bị nhiễm trùng xảy ra sau khi gãy xương, việc điều trị và hồi phục có thể sẽ phức tạp và kéo dài. Nếu xương gãy làm các mảnh xương vỡ xuyên qua da hay vết thương xuyên thấu đến tận xương gãy thì được gọi là gãy “hở” hay gãy chồi xương. Da là một hàng rào ngăn các chất lây nhiễm từ bên ngoài, bao gồm cả vi khuẩn. Tuy nhiên, khi da bị tổn thương, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào nơi xương gãy và gây nhiễm trùng.
Trong quá trình phẫu thuật cố định xương, da và mô mềm được rạch mổ để tiếp cận xương gãy. Nguy cơ xảy ra nhiễm trùng trong trường hợp này khá thấp, thường là dưới 1% ở người khỏe mạnh.
Bệnh nhân được sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi phẫu thuật và phẫu thuật được thực hiện tại phòng mổ đạt tiêu chuẩn cao sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Việc tổn thương đến da, cơ bắp, động mạch hay tĩnh mạch xung quanh chỗ gãy xương càng nhiều, nguy cơ nhiễm trùng càng cao.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Chính, chăm sóc điều trị bệnh nhân chấn thương cho thấy không chỉ trong giai đoạn đầu mà cả một quá trình lâu dài giúp cho vết thương nhanh liền, lấy lại thẩm mỹ và chức năng của các bộ phận, giúp cho người bệnh tái nhập lại cuộc sống và công việc, nhất là những bệnh nhân còn trẻ. Do đó, việc chăm sóc vết thương, đặc biệt là các vết thương chấn thương, nhiễm khuẩn cần theo đúng quy trình mới mang lại hiệu quả.
Còn theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, ngoài chăm sóc vết thương, cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng, cụ thể là ăn những thực phẩm giúp tăng sức đề kháng, hạn chế những thực phẩm có thể ảnh hưởng đến vết mổ. Tùy vào mỗi loại phẫu thuật nhưng chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật thường phải đáp ứng những nguyên tắc cơ bản. Khoảng 3 - 5 ngày sau mổ, bệnh nhân nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa chia thành 4 - 6 bữa/ ngày, chú ý bổ sung vitamin, khoáng chất và hạn chế chất xơ.
Ở giai đoạn hồi phục, bệnh nhân nên ăn đủ năng lượng, nhiều chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, sữa chua, phô mai, đậu đỗ cùng các loại trái cây như cam, bưởi, chanh, dâu tây, kiwi… để ngừa táo bón, nhanh lành vết thương và hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và nhanh chóng hồi phục, bệnh nhân nên dùng các sản phẩm dinh dưỡng năng lượng cao, đồng thời bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu.