Xử lý chưa bảo đảm tính răn đeTheo số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, trên cả nước xảy ra trên 24.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, số liệu thống kê này chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình thực tiễn, do chỉ có khoảng 5 - 7% DN tuân thủ quy định báo cáo, chủ yếu là các DN sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh đó, còn tình trạng khi xảy ra TNLĐ, người sử dụng lao động che giấu, không khai báo mà thỏa thuận bồi thường với người lao động hoặc thân nhân người lao động bị chết.
Nhiều DN chỉ quan tâm đến ATVSLĐ khi phải xử lý sự cố mà ít quan tâm đến việc thực hiện áp dụng các giải pháp đổi mới kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả phòng, ngừa. Công tác thống kê về thực hiện ATVSLĐ, đây vẫn là khâu yếu nhất trong thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.Trích báo cáo giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật ATVSLĐ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội (Quốc hội) |
Bên cạnh đó, mặc dù số người mắc mới bệnh nghề nghiệp (BNN) tăng ít qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Số mắc BNN cộng dồn đến năm 2018 là trên 29.000 trường hợp. Ủy ban cũng chỉ ra một số tồn tại khi số người lao động được khám, phát hiện BNN chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lao động thực tế, do nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc nhiều DN, người sử dụng lao động chưa quan tâm đến vấn đề này để tránh phát sinh chi phí; người lao động có tâm lý “ngại” đi khám BNN, không dám yêu cầu, đề xuất; việc xử lý các DN vi phạm này cũng chưa nghiêm… Đặc biệt, một con số đáng chú ý là các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp và bị TNLĐ được điều dưỡng phục hồi chức năng trên toàn quốc đạt chưa đến 1%.
Liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, tình trạng phân tán, chồng chéo, đặc biệt là trong thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cũng được chỉ ra. Trong khi việc xử lý qua thanh tra, điều tra TNLĐ còn chưa thực sự nghiêm khắc, chế tài xử lý còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm tính răn đe, chưa tạo được sự lan tỏa về ý thức trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ...
Thực thi chính sách còn bất cậpThực tế sau hơn 3 năm có Luật ATVSLĐ, gần 100 văn bản hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này đã được ban hành. Tuy nhiên, giám sát cho thấy, vẫn còn một vài nội dung của Luật đến nay chưa có văn bản quy định chi tiết như tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; quyền của người lao động không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ… Điều đáng nói là việc xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu tính cập nhật, vẫn còn quy chuẩn được xây dựng, ban hành chưa đúng quy trình, thủ tục. Hơn nữa, dù số lượng văn bản hướng dẫn thi hành lớn, nhưng do nhiều cơ quan ban hành, chủ yếu ở hình thức thông tư hoặc quyết định của Bộ trưởng cũng gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và áp dụng pháp luật.
Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ cũng đã bộc lộ những hạn chế trên cả 3 nhóm chính sách phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro. Trong đó, với phòng ngừa TNLĐ, BNN vẫn là khâu yếu nhất.
Chỉ rõ ATVSLĐ là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, bao gồm cả phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro, trong đó quan trọng hơn cả là công tác phòng ngừa, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát lĩnh vực này. Đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN để đảm bảo quyền lợi của DN và người lao động trong điều kiện nguồn Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN đang kết dư lớn. Đánh giá việc thực hiện Nghị định số 37/2016/NĐ-CP về hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ từ Quỹ, cắt giảm điều kiện, thủ tục để DN được hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ...