Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa trầm cảm sau sinh - cách nào?

TS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 9 tháng “mang nặng đẻ đau”, tỉ lệ các bà mẹ bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh cao và ngày càng có xu hướng gia tăng.

 Tuy nhiên không phải ai cũng biết đó là một căn bệnh mà phần lớn nghĩ rằng đó chỉ là những cảm xúc nhất thời sau sinh, nên vô tình đã bỏ qua và đôi khi để lại những hậu quả khôn lường.
Nguyên nhân

Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen, hormones tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc. Ngoài ra, mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân cũng khiến phụ nữ dễ bị trầm cảm. Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Ngoài những nguyên nhân trên thì yếu tố di truyền cũng khiến người con trong gia đình có nguy cơ bệnh cao.

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Ảnh hưởng đến bản thân người mẹ: Về thể chất, bị sụt cân, suy dinh dưỡng. Về tinh thần, bị suy nhược thần kinh, hoang tưởng, có những hành vi nguy hiểm.

Ảnh hưởng đến người thân: Người vợ bị trầm cảm nhẹ thì sẽ không chăm sóc tốt cho chồng và con, gia đình không được vui vẻ. Người bị bệnh nặng thường có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41,2%). Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, rất nguy hiểm đến tính mạng của bé và cả người thân.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trầm cảm điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hồng Hải

Suy nhược cơ thể: Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt.

Lo lắng: Những bà mẹ suy yếu thường hay có nhiều mối lo, nhất là về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại không thể tìm ra nguyên nhân. Thường là đau ở đầu và ở cổ. Những người khác lại đau lưng, đau ngực, có thể là do các vấn đề về tim. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị. Bà mẹ nhiều khi cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà. Trong trường hợp này, người mẹ thường không đến bác sĩ nên gia đình cần mời bác sĩ đến nhà.

Hoảng hốt: Người mẹ có thể cảm thấy hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày, và khó có thể bình tĩnh lại. Vì thế, tốt nhất là giúp họ tránh những tình huống mà họ bị stress.

Căng thẳng: Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Họ khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra.

Cảm giác bị ám ảnh: Người bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ.

Rối loạn giấc ngủ: Thường người bị trầm cảm rất khó ngủ, họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc cả đêm không ngủ được.

Tình dục: Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh. Hứng thú tình dục sẽ trở lại khi mẹ hết trầm cảm.

Phòng ngừa thế nào?

Theo nghiên cứu mới nhất, những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trong thời kỳ mang thai. Các bác sĩ có thể phát hiện những phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa được bệnh này. Quan trọng nhất là mọi người nhận biết được các yếu tố nguy cơ và xin tư vấn bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn có bất kỳ thay đổi tâm trạng trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai. Thói quen lành mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh. Dưới đây là bảy thói quen lành mạnh, mọi người nên áp dụng:

- Tăng cường bổ sung Vitamin nhóm B (Vitamin B6, B12 và axit folic)

- Tập thể dục

- Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc

- Uống nhiều nước

- Chia sẻ tâm trạng: Lo lắng buồn phiền là điều bình thường, không có gì phải xấu hổ, đừng che giấu những mối lo và băn khoăn mà hãy chia sẻ với người thân để có biện pháp tốt nhất.

- Đừng tự buộc tội cho bản thân: Mắc bệnh trầm cảm sau sinh không phải lỗi của bạn. Tự chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ. Em bé mới sinh luôn cần một người mẹ hạnh phúc, khỏe mạnh. Nếu gặp bất kỳ cảm xúc buồn chán đau khổ, người mẹ cần yêu cầu trợ giúp từ các bác sĩ, gia đình và bạn bè.

Mặc dù không có biện pháp nào tránh được trầm cảm sau sinh, nhưng vẫn có cách để bảo vệ sức khỏe tâm sinh lý và làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngay khi đang mang thai, nếu cảm thấy chán nản hoặc có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, hãy thực hiện ngay những thói quen lành mạnh để giảm bớt nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh. Cần theo học một số chương trình giáo dục tiền sản cho cả người vợ lẫn chồng trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo cung cấp những kiến thức đúng đắn về sức khỏe sinh sản.

Ngoài ra một trong những phần quan trọng của việc phòng ngừa đó là biết được những yếu tố nguy cơ để có thể tránh.
Vai trò của người thân với phụ nữ bị trầm cảm sau sinh

Hãy nhớ rằng, chăm sóc người bệnh trầm cảm là một công việc rất cần sự kiên nhẫn của người thân, đặc biệt là người chồng.

Chăm sóc

Công việc này có thể gây xáo trộn, mệt mỏi và bực bội. Những cử chỉ, hành động rất có ý nghĩa với người bệnh: Nói một lời tử tế, một bàn tay giúp đỡ, hoặc thậm chí chỉ cần mỉm cười với người bệnh, bởi người bệnh rất dễ cảm thấy có lỗi vì đã là một gánh nặng cho gia đình. Trầm cảm sau sinh cần được ưu tiên điều trị và chăm sóc chu đáo. Gia đình nên thể hiện sự quan tâm và tình yêu với người bệnh, luôn đón đợi sự hồi phục của người bệnh, nhiều hơn bất cứ điều gì.

Hãy cố gắng đối xử với người bệnh trầm cảm như người mắc phải căn bệnh thể chất thông thường khác. Hãy cho người bệnh thời gian nghỉ ngơi với không gian riêng biệt và yên tĩnh. Đôi khi, người bệnh cần được ở một mình, không có tiếng ồn, không có phiền nhiễu, không phải gánh trách nhiệm gì. Thông thường, những áp lực phải đóng vai trò một người mẹ kết hợp với các triệu chứng của trầm cảm sau sinh khiến người bệnh cảm thấy như nghẹt thở, muốn chạy trốn. Khi người bệnh không được khỏe thì phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, còn khi khỏe thì hãy để người bệnh có thể làm bất cứ việc gì tùy thích.

Không chỉ trích

Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng. Nên tránh nói chuyện về những thiếu sót của người bệnh vì có thể làm cho người bệnh cực kỳ bực bội. Dù chỉ một dấu hiệu nhỏ chê trách có thể góp phần cho người bệnh rơi vào tình trạng suy sụp của tự ti và mặc cảm tội lỗi.

Biết lắng nghe

Người thân nên thấu hiểu rằng rất nhiều cảm xúc tiêu cực đã đầu độc tâm trí của người bệnh khiến họ than phiền không ngớt hoặc không nói gì. Người thân nên lắng nghe, chứ không phải nói rằng người bệnh đã sai hoặc cố gắng uốn nắn chỉ đạo.

Quan tâm

Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có một người thân đáng tin cậy ở bên cạnh.

Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh ảnh hưởng đến cả gia đình. Người bệnh cần được hỗ trợ, nâng đỡ sẽ hồi phục nhanh hơn. Hãy đưa bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến điều trị tại các cơ sở y tế và quan tâm đến những biến đổi tâm lí trong quá trình điều trị.