Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa viêm cầu thận cấp

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là bệnh hay gặp ở người trẻ tuổi, gây ra những biến chứng nặng nề ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người bệnh. Bệnh có thể phòng ngừa được, nếu chúng ta chú ý đến nó.

Vi cầu thận là đơn vị chức năng căn bản của thận. Nó giúp thận làm tốt chức năng lọc máu thành nước tiểu để loại bỏ các độc chất sản sinh trong quá trình hoạt động của cơ thể con người ra ngoài cơ thể. Giúp điều hòa huyết áp, ổn định lượng nước tiểu…
Có đến 5 hội chứng gây nên bệnh của vi cầu thận. Đó là viêm vi cầu thận cấp, viêm vi cầu thận tiến triển nhanh, viêm vi cầu thận mạn, hội chứng thận hư và các dị thường niệu không có triệu chứng lâm sàng.
Bệnh có những biểu hiện gì?
Bệnh hay bắt đầu bằng tình trạng đi tiểu ra máu đại thể, tức thấy máu trong nước tiểu hoặc vi thể chi thấy các hồng cầu trong nước tiểu dưới kính hiển vi. Kế tiếp là tình trạng đi tiểu ra chất đạm, là chất protein, việc phát hiện ra đạm niệu cũng dựa chủ yếu vào xét nghiệm nước tiểu. Một trong những triệu chứng rất quan trọng khiến người bệnh đi tìm bác sĩ để khám bệnh, đó là hiện tượng phù.
 Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Công Hùng
Phù thường bắt đầu ở xung quanh hốc mắt sau đó lan xuống hai chân. Phù trắng ấn lõm và thường là phù cả hai chân. Đây là điểm rất quan trọng giúp phân biệt với phù do suy tĩnh mạch. Những trường hợp nặng hơn sẽ xuất hiện cổ trướng hay tràn dịch khoang màng phổi gây trướng bụng và khó thở.
Ngoài ra bệnh nhân thường bị cao huyết áp do việc hoạt hóa hệ thống Angiotensin và hệ thống thần kinh giao cảm. Bệnh thường tiến triển mạnh trong vòng một tuần lễ và sau đó sẽ giảm phù. Nhưng có một số trường hợp diễn tiến sang tình trạng suy thận cấp rất nguy hiểm cho tính mạng.
Ở trẻ em bệnh diễn tiến thường thầm lặng hơn, nhiều khi không có sưng phù hai chân và lượng hồng cầu trong nước tiểu cũng ít. Do đó tiên lượng thường tốt hơn người lớn, có đến 95% các trường hợp ở trẻ em lành bệnh hoàn toàn, không tiến triển sang giai đoạn viêm vi cầu thận mạn và suy thận.
Những nguyên nhân
Hầu hết những trường hợp viêm vi cầu thận cấp ở trẻ em và người trẻ thường bị sau khi nhiễm liên cầu khuẩn ở vùng họng và amidan. Đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A có tác dụng làm tan huyết. Loại liên cầu này thường sống khu trú ở họng và amidan, tuy chỉ gây ra đau họng và sốt nhưng nó để lại di chứng rất nặng nề ở tim, thận và khớp.
Ông bà ta thường có câu nói: Khớp đớp tim, tim tìm đến thận, thận cận lá gan… để chỉ mối tương quan và mức độ nặng nề của loại bệnh này. Chúng ta không nên chủ quan với những viêm nhiễm vùng họng và tai mũi họng. Cơ chế gây tổn thương vi cầu thận sau khi bị bệnh liên cầu khuẩn rất phức tạp và tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.
Có nguy hiểm không?
Tiên lượng về sự diễn tiến của bệnh viêm vi cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn rất khác nhau giữa những trường hợp lẻ tẻ với những trường hợp dịch tễ. Có nghĩa là những bệnh nhân mắc bệnh trong cơn dịch có tiên lượng tốt hơn so với những trường hợp mắc bệnh lẻ tẻ cũng như giữa người lớn với trẻ em.
Các dạng bệnh trong đợt dịch ở trẻ em có tiên lượng trước mắt và lâu dài đều tốt. Chỉ có một số ít bệnh nhân tử vong do biến chứng suy thận, còn lại hầu hết các trường hợp đều phục hồi tốt sau một tuần nhiễm bệnh. Tình trạng tiểu máu và tiểu ra chất đạm sẽ giảm dần và có thể biến mất sau vài tháng.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh tuy khó điều trị, nhưng tất nhiên là có thể phòng ngừa được, nếu chúng ta chú ý đến nó. Vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối là biện pháp đơn giản nhất cho vi khuẩn liên cầu A tan huyết không còn đất sống và phát triển để gây nên bệnh. Giữ gìn sức khỏe tốt, tăng sức đề kháng, tránh ở môi trường lạnh quá… đều là những biện pháp hữu hiệu nhằm phòng tránh bệnh.
Một số người cần phải sử dụng kháng sinh loại Penicllin uống mỗi ngày hay Penicillin chậm tiêm mỗi tháng để phòng bệnh vì vi khuẩn này rất nhạy cảm và dễ bị tiêu diệt bởi Penicillin, một loại kháng sinh được phát minh ra từ những năm 40 của thế kỷ trước, rẻ tiền và vẫn còn hiệu quả.