Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, tránh ngộ độc thực phẩm thế nào?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày Tết, thói quen ăn uống thường ngày của người dân bị đảo lộn. Vì vậy việc sử dụng thực phẩm thế nào để đảm bảo an toàn, phòng, tránh ngộ độc đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.

Tuyệt đối không ăn tiết canh

Dịch cúm A/H5N1 lại tái diễn, đã có một bệnh nhân tử vong tại Bình Phước, một bệnh nhân nghi nhiễm tại Hà Nội, cúm A/H7N9 đang tiến sát biên giới Việt Nam. Để phòng tránh 2 chủng cúm nguy hiểm này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người dân không ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, tuyệt đối không ăn tiết canh trong những ngày Tết. Ngoài ra, người dân không nên buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt và các sản phẩm gia cầm, thủy cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm, thủy cầm ốm, chết phải thông báo ngay cho cán bộ thú y, y tế, chính quyền địa phương. Không được vứt xác gia cầm, thủy cầm bừa bãi hoặc vứt ra đồng ruộng, ao hồ, sông suối. Khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm, thủy cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng. Khi có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Người dân chú ý sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Trần Việt
Người dân chú ý sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Trần Việt
Theo bác sĩ Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai,  càng những ngày gần Tết và Tết thì lượng bệnh nhân nhập viện do bị rối loạn tiêu hóa, dạ dày, gan, tăng huyết áp ngày càng nhiều. Nhiều gia đình ở làng quê vẫn có thói quen chung nhau mổ lợn làm giò, gói bánh và ăn tiết canh… nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Món tiết canh không được nấu chín mà ăn sống là mầm mống dễ gây ra các bệnh như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm... Đặc biệt, bệnh liên cầu do vi khuẩn liên cầu lợn gây bệnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết, truyền bệnh giun sán… thậm chí tử vong.

Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 ở người, Cục ATTP đã đề nghị Chi cục ATVSTP các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm; tiêu thụ gia cầm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các hành vi, các cơ sở vi phạm quy định. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư để phối hợp tham gia phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm khi được yêu cầu.
Đề cập đến vấn đề ATTP, TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP cho biết, mỗi loại thực phẩm đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, nhất là đối với các sản phẩm từ thịt, cá, hải sản thường chứa các chất tăng trọng, chất bảo quản nên rất dễ gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng. Các loại rau, củ, quả dễ bị ô nhiễm bởi các hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, vi sinh vật gây bệnh. Trong khi đó, các loại thực phẩm được bao gói sẵn thường bị ô nhiễm hóa chất tạo màu cấm sử dụng, sử dụng hóa chất làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, sản phẩm quá hạn sử dụng, bảo quản không đúng yêu cầu... Ngoài ra, ô nhiễm thực phẩm còn do chính con người gây ra trong quá trình chế biến, bảo quản thức ăn. Đây chính là những nguyên nhân thường dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm gia tăng trong thời điểm này.

Để mỗi gia đình có mâm cỗ ngày Tết ngon, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng và an toàn, TS Lâm Quốc Hùng cho rằng, người dân khi lựa chọn các sản phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá, đồ uống đã qua chế biến, cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhất là nhãn mác, hạn sử dụng, quá trình bảo quản thực phẩm và nơi bày bán các sản phẩm thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó, có thể sử dụng cảm quan của mình bằng việc nhìn, sờ, ngửi để nhận dạng các tiêu chuẩn về ATTP, nhất là cần chú ý các sản phẩm bị dập nát, biến dạng. Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không có màu sắc khác thường, không bị ôi thiu, mốc, ố, ươn, hỏng, có mùi khác lạ...

Đề phòng tiêu chảy

Đề phòng tiêu chảy trong ngày Tết, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo mọi người cần thực hiện "ăn chín, uống sôi", rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, để phòng chứng khó tiêu đầy bụng, nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh dùng các thực phẩm khó tiêu như thức ăn rán quá nhiều dầu mỡ; không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích quá đáng; nên dùng gừng giã nhỏ hòa với nước ấm uống.

Với trẻ em, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Các bà mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ. Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi. Nếu gia đình có điều kiện, cho trẻ uống vaccine phòng Rotavirus (tiêu chảy mùa đông).