Khởi xướng cải cách kinh tế
Trên báo Nông cổ mín đàm, ngay từ số đầu tiên (1/8/1901), một cuộc cải cách kinh tế ở Nam Kỳ đã được chủ bút Lương Khắc Ninh phát động. Kể từ đó, trên báo này, đã liên tục và ngày càng mạnh mẽ hô hào cải cách nền kinh tế Nam Kỳ. Từ số báo 206 (ngày 9/10/1906) đến số báo 341 (ngày 26/5/1908), khi được thay làm chủ bút Nông cổ mín đàm đồng thời chủ bút báo Lục tỉnh tân văn, Trần Chánh Chiếu đã tiếp tục cuộc vận động này.
Sau khi sang Hồng Kông gặp gỡ Phan Bội Châu (cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1907), Trần Chánh Chiếu và các chí sĩ yêu nước đã có sự liên kết và tích cực vận động ủng hộ phong trào Đông du. Trong tư tưởng của họ, cuộc cải cách không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn là văn hóa, giáo dục để hướng đến sự văn minh, hùng mạnh của dân tộc.
Sau khi trở về từ Hồng Kông, Trần Chánh Chiếu tiếp tục có một loạt bài về cải cách kinh tế. Tiếp đó, ông có bốn bài xã luận trên Nông cổ mín đàm, được tập hợp xuất bản thành sách Minh Tân tiểu thuyết và được coi là chủ thuyết của phong trào Minh Tân ở Nam kỳ.
Trên số 1 (ngày 14/11/1907) báo Lục tỉnh tân văn, Trần Chánh Chiếu đăng bài “Cấp báo lợi quyền” công khai kêu gọi Minh Tân: “Đồng bào ơi, tra ước cùng nhau mà kịp gióng tiếng chuông tự do lên, dựng cây cờ độc lập dậy, truyền hịch lời Minh Tân ra, cho đặng mở mặt mở mày cùng người ngoại quốc, cho đặng nở gan nở ruột cùng bạn đồng bang, chớ khá nghi nghi ngờ ngờ, dụ dụ bất quyết, mà đợi cho đến người thâu hết lợi quyền của mình hay sao… Rày cúi xin đồng bào mau tỉnh lại, vỗ tay một lượt mà bước tới cuộc văn minh, đặng duy cung lợi của quê hương ta, cho người quê hương ta cầm…”.
Mạnh mẽ hơn, Lục tỉnh tân văn số 3 (ngày 28/11/1907) đăng bài “Cổ kim chi dị ngâm” đã không dừng lại ở việc tranh thương mà kêu gọi tinh thần yêu nước, thực hiện Minh Tân để làm cho đất nước văn minh, hùng mạnh. “Này này cuộc Minh Tân, nọ đàng đàng tấn bộ/Muốn sao được sánh vai cùng Á - tế, làm người quyền biến mới anh hùng/Làm sao cho mở mặt với phương Đông, ở thế thức thời là tuấn kiệt”.
Xây dựng nền kinh tế của người Việt
Mục tiêu đầu tiên và trọng tâm của phong trào Minh Tân là cải cách và xây dựng nền kinh tế Nam Kỳ của người Việt. Không chỉ cổ vũ và hướng dẫn làm ăn, Trần Chánh Chiếu đã vận động thành lập Nam kỳ Minh tân công nghệ để hiện thực hóa lời kêu gọi lập thương cuộc của ông và Lương Khắc Ninh. Theo đó, ông kêu gọi mọi người góp vốn, không đầy 5 tháng đã huy động được 1.802 người góp được 57.665 đồng.
Tại Sài Gòn, ngày 1/6/1908, những người góp vốn đã lập khế ước mở công ty đặt tại Mỹ Tho do Trần Chánh Chiếu là Tổng lý công ty. Công ty mua đất lập xưởng sản xuất xà phòng hiệu Savon Cancan và dạy nghề làm xà phòng. Hoạt động của công ty bước đầu thuận lợi, tác động tốt đến tinh thần cải cách của dân chúng Nam kỳ.
Cũng vào đầu năm 1908, Công ty Minh Tân túc mễ tổng cuộc được thành lập, theo mô hình công ty mẹ, công ty con, trụ sở chính đặt tại Chợ Lớn, các công ty con/chi nhánh (phân cuộc) đặt ở các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, việc huy động vốn của công ty gặp khó khăn nên việc hoạt động của công ty không được như dự tính.
Thành công nhất của phong trào Minh Tân là mô hình kinh doanh dịch vụ khách sạn. Trong phong trào có ba khách sạn lớn được thành lập là Nam Trung khách sạn, Minh Tân khách sạn và Chiêu Nam lầu.
Nam Trung khách sạn khai trương ngày 15/11/1907 ở Sài Gòn, do Trần Chánh Chiếu và một số người khác đầu tư, gồm 20 phòng nghỉ và nhà hàng. Ngoài kinh doanh, khách sạn còn là nơi tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người Việt kinh doanh buôn bán, nhận ký gửi các mặt hàng nông sản cho người các tỉnh lên buôn bán.
Minh Tân khách sạn ngoài dịch vụ ăn, nghỉ còn bán các mặt hàng tạp hóa. Đặc biệt, khách sạn còn trợ giúp pháp lý cho người Việt; là nơi liên lạc, hội họp của các công ty thuộc phong trào Minh Tân, nơi gặp gỡ của các chí sỹ yêu nước ủng hộ phong trào.
Chiêu Nam lầu ngoài kinh doanh khách sạn, nhà hàng còn là một cơ sở kinh tài của phong trào Đông Du, là nơi hội họp, đưa đón thanh niên Nam Kỳ du học.
Ngoài các công ty kinh doanh lớn, người Việt ở Nam Kỳ còn góp vốn thành lập các hội buôn bán nhỏ. Năm 1907, Phan Văn Chánh góp vốn lập tiệm Tân Hóa hương hội ở Tân Hóa, Chợ Gạo; Châu Minh Dương, Phan Tương Như, Nguyễn Thanh Kiệm mở tiệm tạp hóa Minh Tân thương cuộc. Đầu năm 1908, Huỳnh Công Thiệu khởi xướng kêu gọi công chức ở Sài Gòn - Chợ Lớn lập hãng cho vay để kinh doanh và cạnh tranh với người Ấn.
Nguyễn Thái Sung, Nguyễn Khoan Bình… kêu gọi góp vốn thành lập Nam Mỹ Thạnh thương quán ở Vĩnh Long. Ở Bến Tre, viên chức ở tòa bố (cơ quan cai trị của viên chức Pháp đứng đầu một tỉnh Nam bộ, thời Pháp thuộc) và tòa án góp vốn lập tiệm Nam Hòa để thu mua lúa bán cho các nhà máy xay và xay gạo bán lẻ. Tri phủ Nguyễn Bá Phước kêu gọi góp vốn mua hai tàu để kinh doanh vận tải… Nhiều tiệm buôn bán cũng đã được thành lập ở nhiều tỉnh khác.
Minh Tân và các phong trào văn minh
Minh Tân còn kêu gọi góp vốn thành lập xưởng in và cơ sở khám chữa bệnh. Báo Lục tỉnh tân văn, số 16, ngày 12/3/1908, đăng bài kêu gọi góp vốn lập cơ sở chữa bệnh Nam bang đại dược phòng. Trần Chánh Chiếu còn kêu gọi góp vốn mua lại nhà in ở Sài Gòn để in báo chí, sách vở… bán rẻ cho dân. Những hoạt động này chưa được như mong muốn nhưng đã buộc người Pháp phải lo sợ và đối phó.
Phong trào Minh Tân còn có nhiều hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đó là cuộc vận động hưởng ứng phong trào Đông Du; thành lập ban đón tiếp hướng dẫn đồng bào xuất ngoại ở Nam Trung khách sạn. Ở Cần Thơ, Nguyễn Thần Hiến thành lập Khuyến du học hội… Tính đến cuối năm 1907, Nam Kỳ có 75/115 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Phong trào Minh Tân còn kêu gọi nhân dân Nam kỳ cho con em du học phương Tây. Trên Lục tỉnh tân văn, Trần Thạnh kêu gọi góp vốn để “lựa chọn con dân đứa nào thông thái thì xuất của ấy cho nó qua bên Tây học bác vật”. Trần Chánh Chiếu cũng vận động các nhà giàu xuất tiền cho con sang Pháp học.
Phong trào Minh Tân vận động thúc đẩy việc học tập trong nước, kêu gọi mọi người quan tâm đến việc học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và khoa học kỹ thuật phương Tây tại các trường trong nước để nâng cao dân trí. Lục tỉnh tân văn, số 2, ngày 21/11/1907, đăng bài của Nguyễn Văn An, có đoạn: “hãy cho vào trường mà học chữ Lang - sa, đoàn thiếu niên sau mà đặng gia công cần mẫn, học đặng cách thông thái, cơ xảo, bác vật độ lượng, biến hóa tinh diệu, theo bên thái tây thì rất hữu dụng cho đời sau này…”.
Phong trào Minh Tân nỗ lực vận động cải cách văn hóa, xã hội; Mạnh mẽ phê phán các hủ tục, tệ nạn xã hội như phân biệt đối xử với phụ nữ, hành hạ con dâu; Chống tệ say rượu, hút và buôn bán thuốc phiện, chơi đề, ăn uống lãng phí, các tệ nạn mê tín do Chệ (Hoa kiều) bày ra; Tổ chức tranh luận có nên cho cưới nhiều vợ không? Đàn bà An Nam có nên lấy người ngoại quốc? Người chết nhiều ngày trong nhà không?...
Diễn ra đồng thời với Đông Kinh nghĩa thục, Đông Du, Duy Tân hội, phong trào Minh Tân cũng không nằm ngoài sự chú ý, lo sợ và dẫn đến sự đàn áp của người Pháp. Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương cùng nhiều nhân vật chủ chốt của phong trào bị bắt vào cuối tháng 11/1908; các cơ sở kinh tế của phong trào phải dừng hoạt động. Phong trào Minh Tân tan rã.
Minh Tân là phong trào đã vận dụng chính tư tưởng và các mô hình kinh tế, giáo dục tư sản của chính quyền thực dân để tiến hành cải cách, nâng cao dân trí, tổ chức lực lượng kinh tế của người Việt nhằm cạnh tranh với tư sản ngoại quốc, hướng đến xây dựng đất nước độc lập, văn minh, hùng cường; đặt nền móng cho các phong trào yêu nước vào những năm 1920 ở Nam Kỳ.