Phong tục độc đáo đón năm mới của các nước trên thế giới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có những phong tục đặc trưng để chia tay năm cũ, chào đón năm mới. Trong đó có nhiều phong tục mang nét độc đáo riêng và vô cùng thú vị.

Đập phá đồ đạc để xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ hay ăn 12 quả nho vào đêm Giao thừa để mọi ước muốn trở thành sự thật… Những điều nghe tưởng chừng kỳ lạ này lại là cách mà người dân tại một số nước trên thế giới đón chào Năm mới.

Đức

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Tết Dương lịch, ngoài pháo hoa, champagne và các cuộc tụ họp gia đình, bạn bè, người Đức còn có tập tục nhỏ một giọt chì nóng chảy vào nước lạnh và dự đoán tương lai tương tự như người Phần Lan. 

Người Đức còn có tập tục nhỏ một giọt chì nóng chảy vào nước lạnh và dự đoán tương lai. Ảnh: HubPages
Người Đức còn có tập tục nhỏ một giọt chì nóng chảy vào nước lạnh và dự đoán tương lai. Ảnh: HubPages

Bên cạnh đó, một phần thực phẩm ăn vào đêm giao thừa sẽ được để lại trên đĩa cho đến nửa đêm, tượng trưng cho nguồn thực phẩm sẽ luôn dồi dào trong năm Mới.

Ở nông thôn Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là “thi leo cây”. Các chàng trai thi nhau treo lên nhưng cái cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là “anh hùng Năm mới”.

Trước giao thừa 15 phút, người Đức sẽ ngồi yên ở trên ghế. Thời khắc chuông đồng hồ điểm thời khắc qua năm mới, họ sẽ bước xuống ghế và ném một vật nặng ra phía sau, hàm ý rũ bỏ những tai họa, xui xẻo của năm cũ để tiến tới một năm mới hạnh phúc, bình an. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn Harmonica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Trong khi đó, người lớn cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc theo sau ca hát chào đón Năm mới.

Anh

Vào đêm cuối cùng của năm cũ, người dân Anh thường tập trung ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những khu vực có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben ở Thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến. Đêm giao thừa, người Anh mang rượu và bánh ngọt đi chúc Tết. Người Anh không gõ cữa, thay vào đó tiến thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân. Theo phong tục của người Anh, sau giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sẽ báo hiệu Năm mới tốt lành hay xui xẻo.

Scotland

Giống như ở Việt Nam, tại Scotland cũng có phong tục xông đất đầu năm mới. Để đón may mắn vào nhà, người dân thường mời những người đàn ông cao lớn và đẹp trai ghé thăm trong thời khắc đầu tiên của năm mới. Gia chủ tin rằng đàn ông đẹp trai là những người may mắn nhất, có thể quyết định vận may của mình suốt 12 tháng trong năm mới.

Người xông đất sẽ mang theo những quà tặng truyền thống như một cục than, muối, bánh qui shortbread hoặc bánh ngọt trái cây black bun, cùng một chai rượu wee dram (một loại whisky của Scotland), một nhánh cây thường xanh, và một đồng bạc. Tất cả tượng trưng cho lời chúc gia chủ một năm mới may mắn, thịnh vượng.

Tây Ban Nha

Người Tây Ban Nha bắt đầu năm mới bằng việc ăn 12 quả nho với mỗi quả trong thời gian 12 tiếng chuông mừng năm mới ngân vang. Truyền thống này có tên gọi las doce uvas de la suerte và bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX.

Theo quan niệm của người Tây Ban Nha, tập tục này nhằm xua đuổi điều xấu và mang đến một năm mới thịnh vượng, may mắn. Tuy nhiên, phong tục này được cho là chỉ hiệu quả nếu ăn hết nho trong vài giây trước khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa.

Đan Mạch

Đối với người dân phương Đông thì dịp năm mới rất kỵ chén, đĩa vỡ vì đây được xem là điềm xui. Tuy nhiên, ở Đan Mạch, phong tục chào đón năm mới lại là đập vỡ những chiếc đĩa cũ. 

Người Đan Mạch tin rằng, vào sáng mùng 1, căn nhà nào có càng nhiều bát đĩa vỡ thì năm tới sẽ gặp càng nhiều may mắn. Ảnh: The Sun
Người Đan Mạch tin rằng, vào sáng mùng 1, căn nhà nào có càng nhiều bát đĩa vỡ thì năm tới sẽ gặp càng nhiều may mắn. Ảnh: The Sun

Vào đêm giao thừa, người dân Đan Mạch ném bỏ những chiếc đĩa cũ kỹ, sứt mẻ vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè của mình. Nhiều người tin rằng đây là cách giúp xua đuổi vận đen. Họ tin rằng, vào sáng mùng 1, căn nhà nào có càng nhiều bát đĩa vỡ thì năm tới sẽ gặp càng nhiều may mắn.

Hy Lạp

Theo truyền thống, một củ hành tây thường được treo trên cửa trước của những ngôi nhà tại Hy Lạp. Hình ảnh này mang ý nghĩa của sự tái sinh trong năm mới. Ngoài ra, vào ngày Tết, cha mẹ sẽ đánh thức con dậy bằng cách dùng hành tây gõ nhẹ vào đầu chúng.

Năm mới của người Hy Lạp sẽ mất đi những bản sắc vốn có của mình nếu thiếu đi phong tục làm bánh mỳ với đồng tiền mừng xuân có tên Vassilopita. Đây là một loại bánh mỳ nướng rất to có hình tròn bên trong có nhét một đồng xu. Vào bữa tiệc năm mới, nếu ai may mắn ăn được miếng bánh có đồng xu có nghĩa là người đó sẽ được nhiều tiền bạc và tài lộc trong năm sau.

Italia

Tại Italia, người dân thường mặc đồ lót màu đỏ trong đêm giao thừa để chào đón năm mới với niềm tin rằng việc này sẽ mang lại may mắn, tránh xa điều xấu.

Truyền thống này được cho là có từ thời trung cổ. Khi đó, những người đàn ông muốn ra ngoài lúc nửa đêm phải mặc đồ lót đỏ để bảo vệ “tài sản quý giá” của họ khỏi bùa chú và sự trêu ghẹo của phù thủy.