Phóng viên Kinh tế & Đô thị: Trưởng thành hơn sau mỗi lần dấn thân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dòng chảy cuồn cuộn của nhịp thông tin mỗi ngày cũng như sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đòi hỏi những người làm báo phải luôn đổi mới, sáng tạo, dấn thân để mang đến thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Qua mỗi bài viết, mỗi lần dấn thân, mỗi nhiệm vụ được giao, phóng viên Kinh tế & Đô thị ngày càng trưởng thành hơn, đa năng và khẳng định được chỗ đứng của bản thân.

 
Phóng viên Kinh tế & Đô thị: Trưởng thành hơn sau mỗi lần dấn thân - Ảnh 1

Làm báo mảng bạn đọc - điều tra luôn phải đối mặt với hiểm nguy

Trong những năm gần đây, đã có không ít vụ việc các đối tượng hành hung, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phóng viên, nhà báo khi họ hoạt động tác nghiệp đúng quy định pháp luật. Những hành vi của các đối tượng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, uy tín, danh dự của nhà báo, cá nhân mà còn ảnh hưởng tới tâm lý, gây bất ổn cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình mà cần được pháp luật bảo vệ.

Tôi không thể quên chuyến tác nghiệp khi viết bài điều tra về "cát tặc" tại vùng bãi sông Hồng thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội, cùng đồng nghiệp là nhà báo Hữu Trường.

Trong vai người dân thăm ngô, khoai, chúng tôi đi xe máy qua khoảng 2km đường đất gồ ghề, qua những ruộng ngô ngút ngàn mới đến điểm tàu khai thác cập bến. Vượt qua bốt gác của cát tặc, chúng tôi dùng máy quay lại cảnh hoạt động hút cát, vận chuyển cát tại khu vực này. Trong chốc lát có 3 - 4 đối tượng bất ngờ hô hoán. Các đối tượng cầm dao, tuýp sắt, gậy đuổi chúng tôi. Lúc này, nhà báo Hữu Trường rồ ga xe máy chạy thẳng vào làng phía sau đê tả Hồng...

Rồi một vụ việc mới đây, sau khi đăng bài báo liên quan đến khu đất rộng hàng nghìn mét vuông bị chiếm dụng làm bãi trông giữ ô tô tại địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.

Trong vụ việc này, qua tìm hiểu, hành vi chiếm dụng khu đất rộng hàng nghìn mét vuông phía sau Bến xe Yên Nghĩa có dấu hiệu của "lợi ích nhóm"... Sau khi bài báo đăng, phía chính quyền quận Hà Đông đã tiến hành xử lý, tháo dỡ bãi trông giữ và trả lại nguyên trạng khu đất. Tuy nhiên, vào buổi đêm 15/6 tôi đã bị đe dọa giết cả nhà từ số điện thoại lạ...

Trong dòng chảy báo chí hiện nay, người làm báo vẫn luôn và cần chú trọng về tính nhân văn, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội. Nhưng nhà báo cũng là nghề nguy hiểm và như mọi người dân khác nhà báo cũng cần được bảo vệ mỗi khi thực hiện sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ công lý, đứng về lẽ phải, công bằng, vì một xã hội bình yên. Nhà báo phải đứng bên người dân, đặc biệt những người yếu thế, giúp người dân tin và hướng đến những điều tích cực hơn, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Phóng viên Kim Thạch (Ban Điện tử)

 

 

 
Phóng viên Kinh tế & Đô thị: Trưởng thành hơn sau mỗi lần dấn thân - Ảnh 2

Trưởng thành hơn qua thực hiện sự kiện truyền thông

Nhiều năm nay, nghề báo đối với tôi chỉ là viết tin, làm bài để truyền tải thông tin tới bạn đọc. Tuy nhiên, cho tới cuối năm 2021, báo Kinh tế & Đô thị hợp tác với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2021 thì bản thân tôi đã có sự thay đổi.

Năm 2022, cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” mùa 2 đã được báo Kinh tế & Đô thị hợp tác với Tổ chức AAV, AFV tổ chức. Lần này, cuộc thi tập trung vào chủ đề việc làm thỏa đáng của lao động làm việc ở khu vực chính thức và phi chính thức. Cùng với đó là tổ chức tọa đàm, hội thảo liên quan đến chính sách an sinh xã hội cho người lao động.

Lần đầu tiên làm nghề báo được cùng tham gia tổ chức tọa đàm về tiền lương công nhân lao động, tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng và bỡ ngỡ. Thế rồi, tôi được giao nghiên cứu thông tin, nghĩ các chủ đề của tọa đàm và khách mời, soạn một số câu hỏi phù hợp với vị trí của từng diễn giả, liên hệ mời khách tham dự… Với mong muốn tọa đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” sẽ được tổ chức thành công thì mọi khâu chuẩn bị phải thật tốt, đã có lúc tôi lo lắng tới mức bị stress.

Thế rồi, khi biết thông nghe tin về tọa đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” mang ý nghĩa thời sự cũng như mong muốn của mọi người, nhiều phóng viên, nhà báo công tác tại các cơ quan báo chí T.Ư, địa phương, báo ngành đã liên hệ đề nghị được tham dự khai thác thông tin viết bài.

Những tác phẩm báo chí viết về tọa đàm được lan tỏa tới nhiều bạn đọc, trong đó có nhà quản lý cấp Bộ quan tâm, tham khảo những sáng kiến của chuyên gia để có thể xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn hơn.

Nhưng với tôi, từ cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” và tọa đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” đã giúp nhận ra rằng, làm nghề báo không chỉ là viết những tin, bài, ảnh, mà còn là kết hợp tổ chức sự kiện để đóng góp thiết thực, cụ thể vào nhận thức của các cấp, ngành đối với vấn đề an sinh xã hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Phóng viên Trần Oanh (Ban Văn hóa - Đời sống)

 

 

 
Phóng viên Trọng Tùng và các em nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn.
Phóng viên Trọng Tùng và các em nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn.

Những hải trình đáng nhớ

Bước chân vào nghề báo đến nay ngót nghét 12 năm, quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để tôi góp nhặt cho mình những trải nghiệm mà ít nghề nghiệp nào có được. Đó là cơ hội được đặt chân đến những miền xa, những vùng đất địa đầu trên dải đất hình chữ S.

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu được theo chân Quân chủng Hải quân đi thăm, động viên và tặng quà Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, quản lý vùng biển miền Trung với các đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hoàng Sa… Chuyến đi đúng vào mùa mưa bão khiến hải trình trở thành kỷ niệm khó quên đối với hầu hết thành viên đoàn bởi những cơn say sóng “không biết trời đất” là gì. Nhiều thành viên trong đoàn thậm chí không ăn uống nổi, vì hễ ăn là… nôn.

Ít năm sau, tôi có dịp quay trở lại đảo Cồn Cỏ lần thứ hai trong chương trình “Hành trình tháng 7” mà báo Kinh tế & Đô thị tổ chức thường niên tại tỉnh Quảng Trị. Một hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cùng cùng 30 suất quà đã được báo Kinh tế & Đô thị trao tặng cho các hộ gia đình khó khăn trên đảo Cồn Cỏ. Không còn những cơn say sóng, điều tôi nhớ nhất là công cuộc tái thiết khẩn trương trên hòn đảo mà trước đó ít lâu phải hứng chịu sự tàn phá của một trận bão lớn...

Sau này, tôi còn có may mắn được đi tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, một số đảo tiền tiêu và nhà giàn DK1 thuộc quản lý của Bộ Tư lệnh vùng 4 và vùng 5 Hải Quân trong khuôn khổ các chương trình thăm, động viên, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân và UBND TP Hà Nội.

Với những người làm báo, được đi đến, mục sở thị biên cương biển đảo, nơi phên dậu của Tổ quốc, trải nghiệm và kể lại những câu chuyện trên dấu chân mình là một vinh dự, cũng là sứ mệnh lớn lao. Quan trọng hơn, sau mỗi chuyến đi là cảm nhận về tình đồng bào, đồng chí, giúp mỗi người làm báo như tôi thấu hiểu nỗi gian truân của những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng, trấn ải nơi biên cương Tổ quốc, giữ gìn từng tấc lãnh thổ trên biển.

Phóng viên Trọng Tùng (Ban Kinh tế)

 

 

 
Phóng viên Kinh tế & Đô thị: Trưởng thành hơn sau mỗi lần dấn thân - Ảnh 3

Xâm nhập xưởng sản xuất những “hung thần” đường phố Hà Nội

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn do xe ba bánh, xe máy tự chế chở sắt gây nên. Để làm rõ nguồn gốc của những “hung thần” đường phố này, tôi đã xin ý kiến lãnh đạo ban, Ban Biên tập và được chấp thuận cho xâm nhập những xưởng sản xuất loại phương tiện này.

Có thể nói, việc “mục sở thị” xưởng sản xuất những “hung thần” đường phố Hà Nội không dễ dàng chút nào. Trước khi tiếp cận, tôi đã dành thời gian tìm tòi về cấu tạo, công dụng và kích thước của các loại xe nhằm tạo niềm tin của những chủ xưởng sản xuất. Sau đó, tôi phải mất nhiều ngày lân la tiếp cận, làm thân với đội ngũ lái xe ba gác, thậm chí sử dụng cả một vài “mánh khóe” mới có thể nắm được thông tin về những xưởng sản xuất xe chui.

Trong vai một người có nhu cầu mua xe ba gác phục vụ mục đích chở hàng hóa kinh doanh, qua nhiều “mối lái” từ tài xế xe ba gác, tôi tiếp cận được những xưởng sản xuất xe ba gác chui nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Trì. Để có thể vào xưởng, tôi đã phải nhờ người giới thiệu gọi trước, chủ xưởng ra đón tận đầu làng rồi dắt luồn lách qua những con ngõ nhỏ. Nhờ có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng, quá trình tác nghiệp diễn ra an toàn, thuận lợi.

Từ đó, hàng loạt quy trình sản xuất, chắp vá và lắp ráp những chiếc xe gây ám ảnh cho người dân Hà Nội được phanh phui. Kết quả, sau những bài phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, chính quyền địa phương cùng với lực lượng chức năng lập tức vào cuộc. Nhiều xưởng sản xuất xe tự chế tại quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì đã bị buộc dừng hoạt động.

Cá nhân tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp luôn mong muốn hoạt động nghề báo sẽ mang lại những giá trị dù nhỏ đối với xã hội. Và thử thách cũng chính là động lực để những phóng viên trẻ như tôi vươn lên.

Phóng viên Phạm Công (Ban Đô thị)