Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ cấp bác sĩ đã lỗi thời

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức phụ cấp, chế độ tiền trực cho nhân viên y tế hiện rất thấp, được xây dựng, thực hiện từ hơn 10 năm, không còn phù hợp với cơ chế thị trường.

Từ thực tế đó, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đề nghị nâng phụ cấp theo lương cơ sở 1,8 triệu đồng thực hiện từ tháng 7/2023. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi chế độ, chính sách phù hợp với đóng góp, công lao của y bác sĩ.

Mức phụ cấp quá thấp

Sau đại dịch Covid-19, ngành y tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ chế chính sách trong đãi ngộ, thu hút cán bộ nhân viên y tế. Nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài. Trong khi đó, lương, phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo. Thực tế cũng cho thấy, phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến làn sóng nhân viên y tế công bỏ việc trong thời gian qua.

Cán bộ y tế thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Trần Dũng
Cán bộ y tế thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Trần Dũng

Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai Đoàn Thu Trà cho rằng, so với ngành nghề khác, mức lương ngành y rất thấp. Cả một đêm trực vất vả, bác sĩ chỉ nhận được 115.000 đồng, trong khi để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ mất 6 năm học và 18 tháng thực hành hoặc dài hơn. Chưa kể, các điều dưỡng còn vất vả hơn, phải thay bỉm, đổ bô, gội đầu... chăm sóc cho bệnh nhân hơn cả người nhà nhưng không có phụ cấp, không có tiền hỗ trợ.

Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, tất cả bệnh nhân nặng dồn về, lượng công việc nhiều, áp lực lớn. Đa số điều dưỡng chỉ trông chờ vào đồng lương Nhà nước, tổng thu nhập chỉ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Nhiều người phải đi làm thêm bên ngoài, bán hàng online để kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi gia đình.

Hiện cả nước có 500.000 đoàn viên ngành y tế, phụ trách chăm sóc sức khỏe, tính mạng cho gần 100 triệu dân. Vì vậy, việc thay đổi chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, người lao động ngành y tế là vô cùng cấp thiết. Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất gần 8 năm. Trong đó, 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp, so với cử nhân các ngành khác chỉ học trong 4 năm là sự chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp của bác sĩ và cử nhân các ngành khác lại đang được hưởng như nhau.

Vì vậy, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Bên cạnh tiền lương, PGS.TS Phạm Thanh Bình cho rằng, phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được tính vào lương mới để đảm bảo chế độ đặc thù ngành y tế được đãi ngộ đặc biệt theo Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị.

"Hiện nay, mức phụ cấp của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập quá thấp và không còn phù hợp. Cụ thể, phụ cấp trực ngày thường được hưởng chỉ 18.750 đồng/ngày (16/24 giờ); 25.000 đồng/ngày (trực 24/24 giờ) theo mức lương cơ sở áp dụng khi xây dựng năm 2011 chỉ 830.000 đồng/tháng đến nay là quá thấp, không còn phù hợp” - PGS.TS Phạm Thanh Bình nói.

Do đó, Công đoàn ngành Y tế đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg điều chỉnh nâng mức phụ cấp trực có mức chi phụ cấp tương ứng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ 1/7/2023 là 1.800.000 đồng.

Cần thay đổi phù hợp với thực tế

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tri Thức cho rằng, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg đã hơn 10 năm.

Cụ thể, mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính. Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 - 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính - thật sự không tương xứng với sức lao động của bác sĩ. Do đó, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị cần thiết điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động theo hướng tăng phù hợp với thực tế.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nêu rõ, chế độ phụ cấp đặc thù theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch có quy định. Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng phụ cấp 115.000 đồng/đêm tại bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt; 90.000 đồng/đêm tại bệnh viện hạng 2 và 65.000 đồng/đêm tại các bệnh viện còn lại. Còn tại các trạm y tế, một nhân viên trực 24/24 giờ chỉ được hưởng 25.000 đồng.

"Giá hỗ trợ này đã lạc hậu và lỗi thời. Do đó, kiến nghị bổ sung những chế độ phụ cấp khác như độc hại nguy hiểm, ưu đãi hành nghề, trách nhiệm chuyên ngành truyền nhiễm đối với các trường hợp không trực tiếp làm công việc chuyên môn ở các cơ sở y tế cấp trung tâm, bệnh viện" - TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đề xuất.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế. Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Tuy nhiên, hiệu lực của Nghị định chỉ được áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình đề nghị, Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn Nghị định 05/2023/NĐ-CP, mở rộng đối với đối tượng y tế cơ sở hưởng phụ cấp. Các chế độ phụ cấp trực và ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được quy đổi để tính vào mức lương mới sẽ áp dụng từ 1/7/2024 đối với ngành y tế.

 

Hiện chế độ tiền lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm; chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm. Đây không phải là kết quả đạt được mà là hạn chế của công tác xây dựng chính sách đối với nhân viên y tế tại tuyến cơ sở. Đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định về tiền lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà

Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đối với viên chức hành chính, dân số, hợp đồng chuyên môn và hợp đồng lao động phổ thông, để viên chức yên tâm công tác. Đồng thời thay đổi, tăng mức phụ cấp trực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ tại các cơ sở y tế. Xem xét cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác; tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức giá hiện nay…
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông)