70 năm giải phóng Thủ đô

Phù hợp thực tiễn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng hay giữ nguyên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động là vấn đề đang được quan tâm trong quá trình lấy ý kiến vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong đó, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được coi là một hướng tiếp cận phù hợp thực tiễn, cần xem xét.

Nhìn từ thực tiễn cho thấy, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, với mục tiêu hỗ trợ người lao động, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.

Theo quy định hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN.

Mặc dù số tiền không lớn và thời gian được hưởng không dài, nhưng trong giai đoạn người lao động cần chờ để tìm công việc mới, thì số tiền trợ cấp thất nghiệp thực sự rất có giá trị để họ có thể trang trải cuộc sống gia đình.

Hơn thế nữa, nhờ có BHTN, mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra cũng được giảm bớt. Có thể nói rằng, từ khi chính sách ra đời, đã hỗ trợ rất nhiều cho người lao động, đặc biệt tại những thời điểm khó khăn.

Dù đây là loại hình trợ cấp không mấy ai mong muốn được nhận, và tỷ lệ người nhận giảm cũng đồng nghĩa với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường việc làm, nhưng ở góc độ xã hội, chính từ những hiệu quả thực tế, BHTN đã thực sự trở thành “phao cứu sinh” của người lao động trong lúc khó khăn.

Cũng chính bởi thế, nên việc quy định mức trần hưởng trợ cấp thất nghiệp thế nào luôn là một vấn đề nhận được sự quan tâm. Nhiều quan điểm được đưa ra với những lý giải ở các góc độ tiếp cận khác nhau.

Với đề xuất điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lý giải, thực tế đa số các DN đóng BHTN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.

Và với mức 60% như hiện nay, so với tiền lương bình quân đóng BHTN ở khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022 - 2023, trợ cấp thất nghiệp như quy định hiện hành, người lao động chỉ nhận được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng, khó để bảo đảm cuộc sống, nhất là khu vực đô thị. Do đó, phải tính toán để có thể nâng lên cho người lao động.

Mỗi chính sách đưa ra sẽ có những tác động nhất định đến các vấn đề liên quan. Trong các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội hay BHTN, việc tính toán, cân đối giữa việc đóng và hưởng, nguyên tắc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị mất việc làm, để tăng ở mức ở nào đấy mà vẫn bảo đảm, bảo toàn quỹ về lâu dài là vấn đề cần thiết, dù quỹ đang kết dư.

Với những yêu cầu từ thực tiễn cũng như bảo đảm an sinh, việc đề xuất tăng tỷ lệ hưởng BHTN thực sự là một góc nhìn cần xem xét để phù hợp thực tế. Như tính toán đã được đưa ra, mức chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng/tháng; mức trợ cấp thất nghiệp hiện hành chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.

Hơn thế nữa, khi người lao động đã cần phải dùng đến trợ cấp thất nghiệp, nghĩa là không còn khoản thu nhập nào khác nữa, bởi vậy, việc tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% là phù hợp, sẽ phần nào giúp người lao động bảo đảm cuộc sống tối thiểu khi mất việc và tái hòa nhập thị trường lao động.