Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở:

Phù hợp xu thế giáo dục hiện đại

Kinhtedothi - Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS của Bộ GD&ĐT trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang nhận được sự quan tâm, đồng tình từ phía dư luận xã hội. Đây được đánh giá là một bước tiến theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục - điều mà ngành giáo dục đã nhấn mạnh trong nhiều năm qua.

Hành trình của tấm bằng tốt nghiệp THCS

Theo Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 5/4/2006, việc xét công nhận tốt nghiệp THCS nhằm xác nhận trình độ của người học sau khi học hết chương trình THCS. Căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THCS là kết quả rèn luyện và học tập của người học. Đối với học sinh THCS, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp một lần, ngay sau khi kết thúc năm học. Bộ GD&ĐT cũng đưa ra quy định nghiêm ngặt về điều kiện dự xét công nhận tốt nghiệp THCS, trong đó có yêu cầu về độ tuổi, tính chuyên cần, học lực… Kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: giỏi, khá, trung bình dựa vào xếp loại hạnh kiểm và học lực… Quy định nêu: mỗi cơ sở giáo dục có người học dự xét công nhận tốt nghiệp THCS thành lập một Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp do UBND huyện, quận, thị xã, TP ra quyết định theo đề nghị của Trưởng phòng GD&ĐT cơ sở… Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện sẽ là người ký bằng tốt nghiệp THCS của học sinh.

Học sinh THCS tại huyện Mê Linh Hà Nội trong lễ kỷ niệm tốt nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng

Từ năm học 2024 - 2025, theo quy định tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT, bằng tốt nghiệp THCS bỏ xếp loại nhưng giữ nguyên trình xét và cấp bằng. Như vậy, để có được tấm bằng tốt nghiệp THCS phải có một quy trình chặt chẽ; tốn nhiều thời gian của cơ quan quản lý cũng như học sinh và phụ huynh.

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa công bố, Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ hẳn bằng tốt nghiệp THCS. Theo đó, sau khi học sinh học hết chương trình tiểu học, THCS và đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận qua học bạ thay vì Trưởng phòng GD&ĐT của quận, huyện cấp bằng tốt nghiệp như hiện nay.

Lý giải về điều chỉnh trên, Bộ GD&ĐT cho biết, việc này nhằm phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và với xu thế quốc tế. Nhiều quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Australia, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Ngay khi dự thảo được công bố, đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận và đông đảo phụ huynh học sinh. “Cả nước đang tiến tới phổ cập THCS nên việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn khi rút ngắn được cả thời gian lẫn quy trình so với việc xét công nhận tốt nghiệp THCS như trước. Xác nhận của hiệu trưởng là minh chứng cho việc học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 theo quy định, đồng thời cũng là cơ sở để học sinh đủ điều kiện tham dự kỳ thi lớp 10 và dự tuyển vào lớp 10 các trường tư thục, dân lập, tự chủ tài chính… Việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS có ý nghĩa không khác gì tấm bằng tốt nghiệp THCS; không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học” - hiệu trưởng một trường THCS tại quận Nam Từ Liêm cho biết.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, một giá trị tích cực khác khi bỏ bằng tốt nghiệp THCS là thẩm quyền ký xác nhận hoàn thành chương trình THCS là hiệu trưởng. Điều này tăng tính tự chủ, chủ động của trường trong tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục; giảm thủ tục hành chính, chi phí cho ngân sách và phụ huynh học sinh.

“Mỗi quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP thường có vài chục trường THCS, mỗi trường lại có vài trăm học sinh lớp 9 nên việc lập hội đồng, ký bằng, cấp bằng tốt nghiệp THCS thực sự là khối lượng công việc nặng. Tới đây, nếu dự thảo được thông qua, việc ký xác nhận học sinh học hết chương trình THCS vào học bạ lớp 9 sẽ giảm lượng công việc của cấp cơ sở rất nhiều, bảo đảm nguyên tắc “trường nào đào tạo, trường đó xác nhận”" - cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên cấp THCS tại quận Hà Đông bày tỏ.

Cần quy trình chặt chẽ hơn

Hiện nay, gần như 100% học sinh trên cả nước hoàn thành chương trình THCS nhờ chính sách phổ cập giáo dục được triển khai rộng khắp. Trong bối cảnh đó, bằng tốt nghiệp THCS thực tế không còn mang ý nghĩa chứng nhận thành tích mà chỉ là điều kiện thủ tục hành chính để học sinh tiếp tục vào lớp 10 hoặc học nghề. Việc tiếp tục tổ chức cấp bằng THCS không còn phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không đem lại giá trị thực tiễn, mà còn tạo thêm thủ tục, chi phí và tiềm ẩn nguy cơ hình thức hóa trong công tác giáo dục.

Việc giao hiệu trưởng xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay vì cấp bằng có thể coi là một bước tiến theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục. Đây là điều ngành giáo dục Việt Nam đã nhấn mạnh trong nhiều năm qua. Khi giao quyền xác nhận cho hiệu trưởng cũng đồng nghĩa với việc đặt niềm tin vào năng lực quản trị của nhà trường và vai trò cá nhân của người đứng đầu cơ sở giáo dục; vì thế phải thắt chặt hơn công tác quản lý. Nếu thiếu kiểm soát, có thể dẫn đến tình trạng xác nhận qua loa hoặc xác nhận với học sinh chưa đạt yêu cầu hoàn thành chương trình THCS. Điều đó vô hình trung làm suy giảm chất lượng phân luồng, đặc biệt ở những nơi có áp lực đầu vào lớp 10 cao hoặc các cơ sở đào tạo nghề.

Ở góc độ tích cực, bỏ bằng tốt nghiệp THCS, hướng tới xác nhận quá trình học tập thông qua học bạ và đánh giá toàn diện là một tư duy giáo dục tiến bộ. Việc này đòi hỏi các nhà trường phải tổ chức giảng dạy thật, học thật, chấm điểm thật, thay vì chỉ dựa vào kỳ thi hoặc một tờ giấy chứng nhận mang tính hình thức.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Hoàng (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, học sinh tốt nghiệp bậc THCS chỉ cần hiệu trưởng xác nhận thay vì cấp bằng là hợp lý, không phát sinh thêm thủ tục rườm rà hay tốn kém chi phí. Ngành giáo dục cần có lộ trình rõ ràng, quy định minh bạch về giá trị pháp lý của giấy xác nhận do hiệu trưởng ký. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể cho các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và DN trong việc tiếp nhận giấy xác nhận này như một hình thức thay thế bằng cấp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông tới phụ huynh, học sinh và xã hội để tránh hiểu sai về giá trị của giấy xác nhận, đồng thời bảo đảm sự công nhận tương đương giữa học sinh có bằng và học sinh có giấy xác nhận hoàn thành bậc THCS.

Các chuyên gia cũng đồng thuận cho rằng, việc xác nhận thay bằng, nếu được tổ chức nghiêm túc và đồng bộ trong hệ thống sẽ góp phần tiết kiệm nguồn lực, giảm áp lực cho cả học sinh, phụ huynh, nhà trường và truyền đi thông điệp: giá trị thật sự của giáo dục không nằm ở tấm bằng, mà nằm ở năng lực, phẩm chất, khả năng học tập suốt đời của mỗi người. Nếu thực hiện thay đổi, ngành giáo dục cần có lộ trình rõ ràng, giải pháp thay thế minh bạch và bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Sự thay đổi này sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không đi kèm với cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông một cách nghiêm túc và minh bạch. Về lâu dài, đây là cơ hội để ngành giáo dục Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào tư duy bằng cấp, từ đó mở rộng các hình thức đánh giá học sinh linh hoạt, cá nhân hóa, phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp và xu hướng giáo dục hiện đại…
TS Nguyễn Minh Hoàng - Đại học Quốc gia Hà Nội

Giáo dục quyền con người trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Giáo dục quyền con người trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Quy trình xét tuyển đại học 2025

Quy trình xét tuyển đại học 2025

20 May, 07:01 AM

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 với chi tiết từng bước trong quy trình xét tuyển đại học 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ