Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ huynh làm gì nếu trẻ nổi giận?

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa phần các phụ huynh sẽ muốn xoa dịu cơn giận giữ của con bằng cách chiều theo ý mà bé muốn. Tuy nhiên đó không được xem là một cách hay. Nếu là một phụ huynh thông minh về mặt cảm xúc, nói cách khác là có chỉ số EQ (chỉ số thông minh cảm xúc) cao, bạn sẽ không làm như vậy.

Ảnh minh họa
Tất nhiên, trong quá trình nuôi dạy con cái các phụ huynh hiểu sẽ phải làm gì với con mình, vì mỗi đứa trẻ sẽ có những tính cách khác nhau, không thể áp dụng chung một nguyên tắc cho tất cả. Dưới đây là năm điều mà phụ huynh không nên làm khi con cái nổi giận.
1. Không cố gắng trấn tĩnh trẻ ngay thời điểm đó: Hãy cho phép con cái được nổi giận, tất nhiên cơn giận ấy không gây tổn hại về thể chất hoặc gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác. Bởi, ai cũng có quyền được biểu lộ cảm xúc, khi cơn giận được trút ra có nghĩa năng lượng giận dữ đã được truyền tải bớt ra ngoài, do đó cơn giận dữ cũng sẽ qua nhanh. Vì vậy, thay vì cố gắng trấn tĩnh con, hãy cho phép chúng cảm nhận những gì chúng cảm thấy.

2. Không hét lên: Thay vì hét toáng lên với con, lúc này phụ huynh giữ bình tĩnh, bởi vì trẻ em thường có xu hướng hòa mình để phù hợp với hành vi của những người xung quanh, nên việc phụ huynh giữ bình tĩnh sẽ giúp trẻ từ từ thư giãn và trở lại trạng thái bình thường. Nếu cứ cố hét lên và bắt chúng “im đi” thì chỉ càng khiến cơn giận giữ của chúng mãnh liệt hơn.

3. Không được tỏ ra thất vọng khi chưa hiểu ý con muốn nói gì: Trẻ em thường gặp khó khăn trong giao tiếp đơn giản vì chúng không có từ vựng để diễn đạt bằng từ ngữ những suy nghĩ và cảm xúc mà chúng muốn nói. Vốn từ ít, giao tiếp của trẻ bị hạn chế, nhưng chúng lại có rất nhiều suy nghĩ và mong muốn, nhu cầu cần được đáp ứng. Vì vậy, khi phụ huynh hiểu sai ý hoặc không phản hồi đúng ý dễ khiến trẻ lên cơn giận dữ. Hãy cố gắng giao tiếp bằng mọi cách để hiểu trẻ muốn gì, đừng tỏ ra thất vọng khi bạn chưa hiểu điều chúng muốn nói.

4. Không phạt trẻ trước đám đông: Cũng giống như người lớn, trẻ em cần không gian khi chúng cảm thấy tức giận. Hãy cho trẻ có không gian riêng để trút cơn giận dữ. Hãy dẫn trẻ vào một phòng riêng và để chúng được làm mọi thứ chúng muốn, miễn không ảnh hưởng đến ai.

5. Không thể hiện sự giận dữ khi con đã dịu cơn giận: Khi cơn giận dữ của con qua đi, hãy đồng cảm với chúng, hãy ôm một cái ôm mạnh mẽ, vững chắc để giúp con thật sự bình tĩnh hơn thay vì làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Một cái ôm để con bạn biết rằng bạn quan tâm chúng, ngay cả khi bạn không đồng ý với hành vi giận dữ của chúng.

Ai cũng có quyền được giận dữ, vì thế cứ để trẻ được bộc lộ hết cảm xúc của chúng. Thay vào đó chúng ta hãy giúp chúng có thể kiểm soát cơn giận dữ trong khuôn khổ và không gây hại cho ai.