Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội:

Phụ huynh tiểu học, lớp 6 chưa hết băn khoăn nếu con đến trường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Số giáo viên, học sinh tiểu học, lớp 6 từng mắc và khỏi Covid-19 chiếm tỷ lệ khá cao; số ca F0 cộng đồng giảm mạnh nên dù chưa được tiêm vaccine nhưng nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi này sốt ruột muốn con được đến trường. Ngược lại, có người vẫn chưa hết băn khoăn...

Đi học kèm bán trú

Để có cơ sở xây dựng kế hoạch học tập và đề xuất các cấp về phương án tổ chức đi học trực tuyến/trực tiếp trong thời gian tới, một số lớp tại trường Tiểu học&THCS Newton 5, huyện Thanh Oai đã thăm dò ý kiến phụ huynh về việc cho con đi học kèm bán trú từ 1/4/2022. Cuộc bình chọn do giáo viên chủ nhiệm các lớp tạo nhóm đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, bình chọn của phụ huynh học sinh với kết quả trên 80% đồng ý cho con đi học kèm ăn bán trú tại trường.

Học sinh tiểu học ngoại thành đến trường ngày 10/2/2022
Học sinh tiểu học ngoại thành đến trường ngày 10/2/2022

Sống ở khu chung cư thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Nguyễn Thu Huyền kể rằng nhà chị và các gia đình cùng tầng đều mắc Covid-19 từ tháng trước, nay đã khỏi. Ở lớp của con chị, các nhà khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. “Hàng ngày, bố mẹ đi làm, giao toàn bộ trách nhiệm về học, ăn, ngủ cho hai con tự điều tiết, quản lý, sắp xếp nên các con tôi cả ăn và học đều rất chểnh mảng. Tôi chỉ mong con được đến trường càng sớm càng tốt. Vì con đã từng là F0 thì khả năng chống chịu với Covid-19 cũng cao hơn và có thể tiêm sau một thời gian ngắn nữa nhưng đi học trực tiếp kèm bán trú thì nên tiến hành luôn”- chị Nguyễn Thu Huyền đề đạt.

Cô Nguyễn Thị Bích Loan, giáo viên trường Tiểu học thị xã Sơn Tây cho biết: Giáo viên và học sinh nhà trường đều rất muốn được đi học trực tiếp bởi nghe ngóng dịch đã tạm ổn. Học sinh, nhất là các con lớp 1, 2 ở nhà lâu quá đang bị ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lí bởi không được đến trường và tham gia các hoạt động giao lưu với bạn bè. Học sinh lớp 4, 5, ngoài vấn đề này thì giáo viên, cha mẹ lo các con sa đà vào trò chơi điện tử hoặc xem trang web khác trong giờ học. Nếu đến trường, các con được học có kiểm soát, có giám sát, được ôn tập và làm bài kiểm tra cuối năm trực tiếp, từ đó sẽ đánh giá được công bằng, chính xác hơn vì học sinh tiểu học đánh giá cả năm chủ yếu bằng các bài kiểm tra cuối học kì 2.

Nhiều vấn đề cân nhắc

Qua tìm hiểu được biết, bên cạnh phụ huynh sốt sắng việc đến trường thì không ít phụ huynh chưa muốn con đi học trực tiếp vì lo những nguy cơ mất an toàn xảy đến khi con chưa được tiêm vaccine. “Chưa tiêm thì không nên cho con đến lớp, tránh việc nhiễm hoặc tái nhiễm sẽ gây phức tạp trường học như giai đoạn sau Tết. Khi Covid-19 chưa được xem là bệnh đặc hữu, khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chưa được tiêm vaccine, hãy cứ cho học online vì giờ hình thức học này đã ổn định và có chất lượng tương đối tốt”- chị Ngô Thu An, quận Cầu Giấy cho hay.

Nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn khi con đi học trực tiếp
Nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn khi con đi học trực tiếp

Anh Hà Quang Thọ, phụ huynh tại huyện Thường Tín bày tỏ, con anh học lớp 3, sau Tết Nguyên đán, lớp con anh được đến trường từ ngày 10/2 nhưng anh kiên quyết cho con ở nhà vì thấy nhiều nguy cơ có thể xảy đến. “Thời điểm trước, dịch bệnh quá phức tạp và nguy hiểm nên tôi không cho con đi học. Sau các bạn của con nhiễm Covid-19 và nghỉ rất nhiều, còn con tôi không bị nhiễm. Giờ dịch thuyên giảm nhưng các con cũng sắp thi học kỳ 2 và kết thúc năm học. Tôi muốn con thi học kỳ 2 bằng online luôn cho xuyên suốt năm học”.

Có đến 10% phụ huynh chấp nhận cho con lưu ban và vẫn mong con tiếp tục học online- đó là chia sẻ của hiệu trưởng một trường tiểu học đóng trên địa bàn huyện Đan Phượng. Theo vị hiệu trưởng này, từ ra Tết Nguyên đán đến nay, trường có gần 100% giáo viên mắc Covid-19 và đã khỏi; con số này với học sinh khoảng 40%. Nhiều phụ huynh của trường cho hay, đằng nào cũng đã gần một năm học trực tuyến và giờ vẫn nên học trực tuyến để kiểm tra cho thống nhất, tránh việc học thì online mà kiểm tra thì offline sẽ có độ vênh nhất định trong xếp loại, đánh giá.

Việc cho đi học trực tiếp với tiểu học, lớp 6 khá bất cập và chưa thống nhất vì nhiều phụ huynh vẫn e ngại cho con đến trường; các con chưa được tiêm vaccine nên không thể áp dụng chỉ một hình thức học tập là trực tiếp như cách học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đang thực hiện. Vì vậy, nhiều hiệu trưởng cấp tiểu học và THCS cho rằng: Khi quan điểm của phụ huynh là tiêm 2 mũi mới cho con đi học thì việc quyết định cho học sinh tiểu học, lớp 6 đến trường cần cân nhắc kỹ. Nếu đi học trực tiếp, để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, các cơ sở giáo dục lại tính phương án dạy song song on–off kết hợp, hình thức này tạo hiệu quả kém hơn so với học online hoàn toàn.

Được biết, các nhà trường đều chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các phương án học online, offline, tách lớp, lắp camera từng lớp học để kết nối song song… “Hiện cấp tiểu học và lớp 6 trên địa bàn vẫn dạy ổn định qua hình thức trực tuyến. Khi có văn bản của cấp trên về thay đổi hình thức học, Phòng sẽ nhanh chóng chỉ đạo các trường thực hiện theo đúng quy định”- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết.

 

Các mốc học trực tiếp của học sinh Hà Nội:

  • Từ 8/11/2021: Học sinh lớp 9 huyện Ba Vì đi học trực tiếp
  • Từ 22/11/2021, học sinh lớp 9 tại 17 huyện, thị xã đi học
  • Từ 6/12/2021, học sinh lớp 12 toàn TP đến trường (luân phiên)
  • Từ 8/2/2022: Học sinh lớp 7 đến 12 toàn TP đến trường
  • Từ 10/2/2022: Học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành đến trường
  • Từ 21/2/2022: Dự kiến học sinh tiểu học, lớp 6 thuộc 12 quận đi học nhưng sau đó, kế hoạch này tạm hoãn
  • Từ 28/2/2022: Học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành chuyển học trực tuyến
  • Từ 21/3/2022: Đẩy mạnh học trực tiếp với học sinh lớp 7-12.
  • Học sinh mầm non: Vẫn nghỉ tại nhà