Phụ nữ Thanh Oai: Phát triển nhiều mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những hành động, việc làm tưởng chừng rất nhỏ nhưng cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Thanh Oai đã và đang góp phần tích cực trong việc hình thành lối sống “ăn sạch, sống xanh”.

Trong đó, phải kể đến hiệu quả thiết thực của những mô hình an toàn thực phẩm (ATTP) vì sức khỏe cộng đồng.

Hình thành thói quen mới

Có thói quen hơn 20 năm luôn xách theo một chiếc làn đi chợ, chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Vĩ, xã Cao Viên) không phải mang về nhà hàng chục chiếc túi nilon đựng thịt, cá, rau... lỉnh kỉnh. Thay vào đó, cá, thịt tươi sống thường được chị cho vào hộp nhựa, đồ ăn nóng thì có cặp lồng, còn các loại thực phẩm khác để vào làn nhựa vô cùng tiện lợi và sạch sẽ.

Không những đảm bảo vệ sinh ATTP mà xách làn đi chợ, sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn tươi sống còn tiết kiệm được chi phí, không gây tác hại đến môi trường.
Trong khi đó, hơn 2 tháng nay, chiếc túi vải đã trở thành người bạn đồng hành của chị Đỗ Thị Sáng (thôn Trung, xã Cao Viên) mỗi khi đi chợ.

Trước đây, chị Sáng có thói quen đựng thực phẩm trong các túi nilon, nhưng từ khi được hội phụ nữ các cấp tuyên truyền về tác hại của túi nilon với sức khỏe và môi trường, bản thân chị và các chị em phụ nữ trong xóm đã chuyển sang dùng túi vải để đi chợ. Chị Sáng chia sẻ: "Lúc đầu cũng bất tiện vì đi chợ hay quên túi vải, phải quay về lấy nhưng bây giờ thì thành thói quen. Tôi rất phấn khởi khi ra đến chợ là thấy mọi người cũng xách theo túi vải để đi chợ như mình".

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Cao Viên Đào Thị Năm cho biết, tháng 7/2022, “Chi hội thay đổi hành vi trong ATTP” của xã chính thức được thành lập với 21 thành viên. Tham gia chi hội, mỗi thành viên được tặng túi vải thân thiện môi trường và bộ hộp nhựa (đảm bảo quy chuẩn chất lượng) để đi chợ hàng ngày.

Mô hình nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thay đổi thói quen, chuyển đổi hành vi không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần bằng làn nhựa hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy, góp phần ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường.

Điều đáng mừng nhất là sự thay đổi từ nhận thức của mỗi cán bộ, hội viên khi tự tuyên truyền, nhắc nhở nhau trong việc sử dụng làn hoặc túi vải đi chợ, sử dụng hộp nhựa để bảo quản thức ăn, cam kết không sử dụng túi nilon, đảm bảo vệ sinh nơi sơ chế thức ăn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hàng xóm, người thân trong gia đình tham gia ủng hộ, thực hiện mô hình.

“Sống khỏe” nhờ sản xuất rau, quả an toàn

Tổ hợp tác rau, quả an toàn của Hội LHPN xã Xuân Dương với 10 hội viên đang sản xuất gần 1ha rau, quả an toàn (rau cải, dưa cải Đông Dư, dưa lê, dưa chuột…). Tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả khi mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm an toàn cho thị trường, giúp nhiều hộ hội viên và Nhân dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Điều quan trong hơn cả là các hội viên đã có thu nhập ổn định hơn với mức bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng, không phải đi làm ăn xa, có điều kiện mua sắm vật dụng gia đình, đầu tư cho con cái học hành.

Hội viên phụ nữ xã Cao Viên, huyện Thanh Oai sử dụng túi vải đi chợ, hộp nhựa đựng thức ăn. Ảnh: Ánh Ngọc
Hội viên phụ nữ xã Cao Viên, huyện Thanh Oai sử dụng túi vải đi chợ, hộp nhựa đựng thức ăn. Ảnh: Ánh Ngọc

Hộ bà Lê Thị Đính, ở thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương đang canh tác 4 sào rau cải Đông Dư, trung bình mỗi vụ gia đình bà có thu nhập bình quân 40 triệu đồng. “Tham gia Tổ hợp tác rau, quả an toàn chúng tôi cam kết chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục cho phép, dùng bẫy bả chua ngọt diệt trừ ruồi vàng, sâu khoang; sử dụng các loại phân hữu cơ, phân xanh bón cho cây trồng. Nhờ đó, chất lượng rau, quả luôn được các đầu mối thu mua trong vùng và các huyện lân cận tin dùng và đặt hàng, hạn chế tối đa tình trạng được mùa, mất giá” – bà Đính chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Dương Lâm Thị Nguyệt, thực tế nhiều năm trước đây, với phương thức canh tác truyền thống, thu nhập của bà con nông dân vẫn bấp bênh do hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra nông sản thiếu ổn định. Vì vậy, mô hình được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức của các thành viên tham gia mô hình trong sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng ATTP, từ đó lan tỏa tới các hộ sản xuất khác tại địa phương và hình thành nếp sản xuất an toàn. Hội LHPN xã cũng nhận thức rõ phát triển sản xuất sản phẩm đảm bảo ATTP là hướng phát triển bền vững khi tạo tiền đề xây dựng uy tín, kết nối thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với việc thành lập mô hình, Hội LHPN xã Xuân Dương phối hợp và đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phát thanh; phối hợp các đoàn thể tổ chức tuyên truyền sử dụng thực phẩm sạch trong gia đình, giữ gìn vệ sinh đồ dùng, dụng cụ sản xuất, chế biến thực phẩm gắn với tuyên truyền cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không – 3 sạch”.

Ngoài ra, Hội LHPN xã còn phối hợp với Hội Nông dân tổ chức tập huấn vệ sinh ATTP trên cây rau, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, kiến thức ATTP cho người sản xuất rau, quả an toàn; tuyên truyền xóa bỏ những hành vi không an toàn trong trồng cây, hướng dẫn các hộ dân sau khi thu hoạch cắt tỉa lá, vệ sinh đồng ruộng, tận dụng làm nguồn phân xanh bón lại cho cây trồng…

Tuyên truyền đi đôi với giám sát

Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, Hội LHPN huyện Thanh Oai tổ chức nhiều hoạt động truyền thông đảm bảo vệ sinh ATTP. Đồng thời, các cấp phụ nữ huyện tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng trên địa bàn huyện. Đặc biệt, tiếp tục tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ thay đổi hành vi trong ATTP”, “Tổ hợp tác rau, quả an toàn” với nhiều nội dung hoạt động phong phú, phù hợp với từng đơn vị.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Hồng cho biết, xác định rõ ATTP là vấn đề cấp bách của toàn xã hội hiện nay, Hội đã triển khai, hướng dẫn các Chi hội xây dựng nhiều mô hình chung tay bảo đảm ATTP. Hiệu quả và sức lan tỏa của các mô hình đã, đang và sẽ nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và Nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng của ATTP với sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng. Từ đó chuyển đổi hành vi, nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ nữ và gia đình trong thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn vì hạnh phúc của gia đình và cộng đồng.

Để hoạt động hiệu quả, sau khi ra mắt mô hình, từ nguồn kinh phí hoạt động và huy động xã hội hóa, các chi hội đã sáng tạo tặng hội viên các vật dụng thiết thực như làn nhựa, túi vải, hộp nhựa đựng thức ăn, men ủ rác thải hữu cơ….

Hoạt động của các chi hội rất sôi nổi khi đều trao đổi thông tin bằng hình thức lập nhóm zalo như: “Hội phụ nữ tiêu dùng thông thái”, “Phụ nữ lựa chọn thực phẩm an toàn”, “Phụ nữ trồng rau sạch”. Nội dung truyền thông đều là những kiến thức về đảm bảo vệ sinh ATTP như: Cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thịt sạch, thực phẩm sạch, những nguyên nhân dẫn tới mất ATTP, hướng dẫn thực hành vệ sinh ATTP trong bếp ăn hàng ngày… bằng hình ảnh, video sinh động.

Bên cạnh đó, hàng tháng, hàng quý, Hội tổ chức họp tập trung đánh giá công tác tổ chức thực hiện và vai trò của Hội trong công tác tuyên truyền thực hiện bảo đảm ATTP; các hoạt động phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng, đoàn thể trong hoạt động giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và người dân trong việc thực hiện các quy định về ATTP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; đánh giá hiệu quả việc triển khai thành lập các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện bảo đảm ATTP…

 

"Hội LHPN huyện, các xã, thị trấn cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, chất lượng thực phẩm. Qua đó, kịp thời phát hiện, đề xuất với Ban chỉ đạo huyện, xã, thị trấn về thông tin hoạt động của các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm kém chất lượng, vi phạm quy định ATTP để có biện pháp xử lý." - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình