Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10.
Thời gian qua, phụ nữ Việt Nam đã phát huy vai trò của mình như thế nào để có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thưa bà?- Có thể nói, phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã phát huy tốt truyền thống của phụ nữ và tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Điển hình, ở lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chiếm một vai trò hết sức quan trọng, chiếm 48% lực lượng lao động. Đặc biệt, chủ các DN có đến 30% là phụ nữ, đóng góp 30% GDP của đất nước. Có rất nhiều ngành nghề, chị em phụ nữ chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt là những ngành nghề y tế, giáo dục. Thậm chí trong lĩnh vực quân đội, công an, số lượng phụ nữ tham gia đóng góp hết sức tích cực. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý cũng đã tăng lên. Ngoài ra, trong công tác từ thiện, đã có rất nhiều tấm gương phụ nữ vì cộng đồng, làm công tác từ thiện có sức lan tỏa lớn đã được tôn vinh.
Để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam có Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Vậy theo bà, trong chặng đường 15 năm qua, những dấu ấn của giải thưởng là gì?- Năm 2018, là năm thứ 15 Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam đã trao cho 79 tập thể và 134 cá nhân. Có thể nói, đây là một giải thưởng quốc gia có giá trị, ý nghĩa và là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Nhiều công trình, kết quả nghiên cứu của phụ nữ đã được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao. Những con số ấn tượng và nhiều phụ nữ Việt Nam thành công trên mọi lĩnh vực đã khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp to lớn trong đời sống xã hội. Trong đó, có 21 tập thể và cá nhân là đơn vị anh hùng; 11 PGS, GS, TS là những nhà khoa học và rất nhiều phụ nữ được nhận các danh hiệu cao quý: Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú…
Những tập thể, cá nhân được nhận giải thưởng đã phát huy tốt vai trò đối với cộng đồng, là những tấm gương để các thế hệ phụ nữ noi theo. Trong đó có những nhân vật hết sức ấn tượng, nổi tiếng như họa sĩ Đặng Ái Việt đến những người là nông dân, công nhân lao động trực tiếp, nhiều gương mặt trẻ với những thành tích cao cũng đều được nhận giải thưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939). Để phát huy vai trò cầu nối cho phụ nữ tiếp cận kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm và thị trường khởi nghiệp, theo bà, Hội LHPN cần lưu ý đến những yếu tố gì?- Như tôi đã nói, phụ nữ đã tham gia lãnh đạo, làm chủ tại hơn 30% tổng số các cơ sở sản xuất, các DN. Tuy nhiên, để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và bản thân sự nỗ lực của cán bộ Hội các cấp, để hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ. Ðồng thời, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN mới thành lập, xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại; có những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và phi tài chính. Còn một yếu tố rất quan trọng để phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh thành công là phải vượt lên chính mình, vượt lên những rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp. Đồng thời phải nâng cao năng lực, tham gia các buổi tọa đàm, thảo luận cùng với nam giới.
Bên cạnh đó, để khởi nghiệp thành công, phụ nữ cần mở rộng các mối quan hệ, sự hỗ trợ từ gia đình, kiến thức và kinh nghiệm quản lý, động lực thúc đẩy sự khởi nghiệp, niềm tin và dám mạo hiểm, đổi mới sáng tạo và kiến thức về công nghệ thông tin. Đặc biệt, cần có kiến thức kỹ thuật công nghệ cao, có nền tảng kiến thức công nghệ thông tin tốt; đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực từ mô hình kinh doanh đến các sản phẩm đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, cần có niềm tin vào bản thân và dám mạo hiểm chấp nhận rủi ro đương đầu với những khó khăn trong giai đoạn mới.
Xin trân trọng cảm ơn bà!