Trong vụ án này, Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng Giám đốc ALC II cùng đồng phạm đã thành lập công ty khác là “sân sau” nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng khống giá trị con tàu lặn từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Hảo đã cùng Phạm Minh Tuấn thành lập Công ty CP Cát Long Hải để ký hợp đồng mua bán, thuê tài chính với ALC II, thực chất nhằm mục đích lập “sân sau” để chiếm đoạt tiền của ALC II. Theo đó, Hảo đi tìm đối tác và đã thỏa thuận với một đối tác ở Nhật Bản hợp tác đưa tàu lặn Tinro 2 (tàu của đối tác Nhật) vào Công ty CP Cát Long Hải khai thác sử dụng và tìm cách để mua bán chính con tàu này. Tuấn nhận được sự chỉ đạo của Hảo, đã đưa tàu lặn Tinro 2 ra Hải Phòng khai thác, nhưng con tàu này được đưa “chui” vào Việt Nam. Đến ngày 8/6/2008, tàu lặn Tinro 2 đến Hải Phòng đã bị Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện và bắt giữ. Tuy nhiên, sau đó, Hảo đã làm chủ mưu nhằm giải ngân tàu Tinro 2 với giá 130 tỷ đồng từ ALC II, mà thực chất giá trị con tàu chỉ là 100 triệu đồng. Ngày 20 và 23/12/2007, Hảo triệu tập cuộc họp gồm Nguyễn Văn Tài, Phạm Xuân Nghị, Phùng Văn Đồng và Nguyễn Văn Thọ (là các cán bộ ALC II) để bàn cách xử lý nợ xấu của Công ty TNHH Tô Châu và Công ty Cẩm Vân (2 công ty này do vợ chồng ông Tô Phước Vĩnh, Nguyễn Thị Cẩm Vân làm giám đốc). Nội dung cuộc họp mà Hảo đã chuẩn bị từ trước là bàn việc ALC II ký các hợp đồng cho thuê tài chính với mục đích đối phó với cơ quan thanh tra và mua khu đất Trạm dừng chân Miền Tây (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) của Công ty TNHH Tô Châu.
Hảo đưa ra phương án Công ty CP Cát Long Hải sẽ bán và thuê tài chính là tàu lặn Tinro 2. Hảo “nổ” rằng, con tàu thuộc Công ty CP Cát Long Hải đang có giá trị là 130 tỷ đồng. Việc làm này nhằm lấy tiền trả nợ ngân hàng mà Công ty TNHH Tô Châu và Công ty Cẩm Vân đã thế chấp vay tiền, sau đó lấy giấy tờ và chuyển nhượng lại cho Công ty CP Cát Long Hải, từ đó Công ty CP Cát Long Hải sẽ tiếp tục sang tên chủ sở hữu rồi nộp vào ALC II. Các cán bộ dưới quyền của Hảo gồm Tài, Nghị, Đồng và Thọ tiến hành thẩm định con tàu lặn Tinro 2 đúng với trị giá mà Hảo đã định giá trong cuộc họp là 130 tỷ đồng, trong khi đó, các thuộc cấp này biết rõ con tàu chỉ là đống sắt gỉ.
Hành vi cố ý làm trái để chiếm đoạt tiền của ALC II của các đối tượng còn được thể hiện: Thực tế, tàu lặn Tinro 2 nằm bất động trong thời kỳ sửa chữa tại TP Hồ Chí Minh nhưng Hảo chỉ đạo các thuộc cấp tại ALC II hoàn tất các thủ tục hồ sơ tín dụng sai với quy định của Ngân hàng Nhà nước và Agribank. Ngày 26/12/2007, Hảo ký hợp đồng mua tài sản (số 21/2007/HĐMB) với Công ty CP Cát Long Hải. Nội dung mua tàu lặn Tinro 2, với giá 130 tỷ đồng. Ký hợp đồng cho thuê tài chính (số 219/ALCII-HĐ) cho Công ty CP Cát Long Hải thuê lại tàu Tinro 2 với thời hạn thuê 60 tháng. Và ngày 31/12/2007, ALC II đã giải ngân thanh toán đủ số tiền 130 tỷ đồng cho Công ty CP Cát Long Hải. Trong phi vụ này, Hảo chiếm đoạt gần 79 tỷ đồng…
Trước đó, ngày 26/9/2014, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên án tử hình với các bị cáo: Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Long Hải), Hoàng Lộc (Tổng Giám đốc Công ty CP Giám định, thẩm định Việt Nam); án chung thân với: Lê Phúc Đức (nguyên Trưởng phòng Giám định, Công ty CP Giám định, thẩm định Việt Nam), Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty CP Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (nguyên kế toán trưởng Công ty CP Cát Long Hải), Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó Tổng Giám đốc ALC II); các bị cáo còn lại lãnh tổng cộng 69 năm tù giam, cùng về tội “Tham ô tài sản”. Có 11 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 7/4, dự kiến tòa sẽ tuyên án.
Bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
|
Ngoài vụ án “Tham ô tài sản” nói trên, trước đó, Vũ Quốc Hảo bị Bộ Công an bắt giam ngày 15/4/2011 trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngày 15/11/2013, Vũ Quốc Hảo bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt các mức án tử hình, 15 năm tù và 20 năm tù, cho các tội nêu trên. Tổng hợp hình phạt là tử hình. |