Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng sẽ đi ngược lại thông lệ quốc tế

Theo báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như khả năng đáp ứng vốn trung dài hạn của nền kinh tế.

Doanh nghiệp cần đa dạng các kênh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ảnh: LPB  
Doanh nghiệp cần đa dạng các kênh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ảnh: LPB  
Tổng huy động của hệ thống ngân hàng vượt quá quy mô GDP

"Nguồn lực để cho vay trong nền kinh tế có giới hạn" - chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định. Tổng dư nợ hiện nay của toàn nền kinh tế rơi vào khoảng 12,2 triệu tỉ đồng. Tổng nguồn vốn huy động cũng khoảng 12,3 - 12,4 triệu tỉ đồng. Như vậy, tổng huy động của toàn bộ ngân hàng để cho vay hiện đã vượt quá 1,2 lần so với quy mô GDP.

Ông Bình cho biết: "Đây là mức gần như cao nhất trong khu vực ASEAN và cao hơn rất nhiều so với các nước khối OECD. Chúng ta không thể nâng quá cao mức tổng dư nợ của nền kinh tế nữa. Tôi nghĩ rằng nên có một mức trần giới hạn về khả năng của ngân hàng. Nếu chúng ta cho vay quá nhiều sẽ tổn hại đến kinh tế vĩ mô.

Trừ khi quy mô nền kinh tế tiếp tục tăng thì mới có thể tăng tiếp tổng dư nợ cho vay, từ đó có dư địa lớn hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng khi nền kền kinh tế Việt Nam tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng sẽ đi ngược lại tất cả thông lệ quốc tế. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như khả năng đáp ứng vốn trung dài hạn của nền kinh tế".

Thứ hai, với hơn 12,2 triệu tỉ đồng này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho vay dân cư và cho vay tiêu dùng. Ví dụ, khoản tiền một người vay để mua một căn chung cư đã bằng khoản vay của một doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, các ngân hàng phải đáp ứng chuẩn mực cho vay như Basel II, Basel III. Song song với đó còn là nhiều tiêu chí khác như chất lượng tín dụng, tiêu chuẩn cho vay. Điều này là dễ hiểu khi quy định pháp luật hiện nay rất chặt chẽ, đặc biệt với các khoản vay của các doanh nghiệp.

Nút thắt cuối cùng là với tỉ lệ phần lớn doanh nghiệp hiện nay là vừa và nhỏ, vấn đề sẽ tập trung vào năng lực quản trị, duy trì hệ thống sổ sách kế toán, tuân thủ quy định pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội.

Bài toán cấp bách về đa dạng nguồn vốn 

Trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, bài toán cấp bách là việc đa dạng các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong đó bao gồm thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Theo ông Lê Duy Bình, phát hành thêm cổ phiếu là nguồn vốn cơ bản nhất của các doanh nghiệp. Những quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán cho phép doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Doanh nghiệp muốn có thêm cổ đông, những người cùng cam kết không chỉ về vốn mà còn công nghệ, thị trường và nhiều vấn đề khác.

Một kênh khác là phát hành trái phiếu, kênh quan trọng không kém đối với doanh nghiệp. Quá trình 3 - 4 năm qua đã chứng kiến sự phát triển thần kỳ của thị trường trái phiếu nhưng đáng tiếc là dựa trên nền tảng không vững chắc.

Ngoài ra, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - cho biết, Chính phủ đã thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.

"Quỹ này đã giải ngân 2.000 tỉ đồng. Hiện nay mới cho vay hơn chục dự án với 100 tỉ đồng. Chúng tôi thấy rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt nhưng để giải ngân được là bài toán rất khó. Các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111 của Chính phủ để phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được hỗ trợ giải ngân 2,13% từ các ngân hàng. Nhưng các nguồn đó vay cũng rất khó" - bà Ngân đánh giá.