Phú Yên lên kế hoạch thu hút 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2022 - 2025, Phú Yên đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 95.000 tỷ đồng. Đồng thời, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8,5%/năm, thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 đạt khoảng 11.000 tỷ đồng…

Phát triển hạ tầng - Cải cách hành chính

Ngày 28/6, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, tỉnh vừa hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhằm phục hồi và phát triển KT-XH Phú Yên trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2025.

Phú Yên hướng đến phát triển hạ tầng và cải cách hành chính trong thời gian tới. 
Phú Yên hướng đến phát triển hạ tầng và cải cách hành chính trong thời gian tới. 

Theo ông Trần Hữu Thế, trên cơ sở nhận định những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Phú Yên phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Phú Yên đặt mục tiêu có thể đạt hoặc vượt kế hoạch giao như tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 95.000 tỷ đồng, 30 giường bệnh trên vạn dân,... tập trung thực hiện phấn đấu đạt vượt kế hoạch đề ra.

Đồng thời, Phú Yên cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8,5%/năm, thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 đạt khoảng 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt khoảng 370 triệu USD, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo đúng định hướng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 80%…

Ông Trần Hữu Thế cho biết, để đạt được mục tiêu trên, Phú Yên đã đưa ra hàng loạt giải pháp như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng, tái cơ cấu kinh tế theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Đồng thời, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian tới Phú Yên sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, các công trình có tính kết nối, liên kết giữa các vùng như: Tuyến đường từ cảng Bãi Gốc kết nối Quốc lộ 1A đi khu kinh tế Vân Phong; tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn qua huyện Tây Hòa - Phú Hòa - TP Tuy Hòa - huyện Tuy An (giai đoạn 2); Tuyến đường bộ ven biển;...

Đồng thời, Phú Yên sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiếp độ đầu tư hoàn thành việc đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến Quốc lộ 25, Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Phú Yên.

Song song đó là hoàn thiện thủ tục và triển khai đầu tư dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn qua địa phận tỉnh). Phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong triển khai đầu tư xây dựng sân đỗ máy bay (thêm 3 - 5 vị trí) tại Cảng Hàng không Tuy Hòa.

Kêu gọi đầu tư dự án động lực

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch này.

Phú Yên lên kế hoạch thu hút 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội - Ảnh 1

“UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát bổ sung các danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025... Các dự án phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch KT-XH, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất theo quy định, để có cơ sở kêu gọi đầu tư huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, Sở đề xuất các giải pháp hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh” - ông Trần Hữu Thế cho biết.

Cũng theo ông Trần Hữu Thế, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên phối hợp với đơn vị tư vấn làm việc với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040. Đồng thời, rà soát, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tránh chồng chéo.

“Trong giai đoạn tới, Phú Yên sẽ tập trung mời gọi đầu tư các Nhà đầu tư lớn, có thương hiệu đầu tư các dự án động lực, tạo tác động lan tỏa như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc (1.300ha) và khu hậu cần cảng biển để phát huy được các lợi thế về các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường thủy nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, tạo điều kiện để thu hút được những dự án công nghiệp, dịch vụ lớn đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên” - ông Trần Hữu Thế thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết, tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch lớn đã và đang nghiên cứu đầu tư trong Khu kinh tế Nam Phú Yên như: Khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vũng Rô; Khu đô thị dịch vụ ven biển; Khu công viên chuyên đề kết hợp thương mại - dịch vụ nghỉ dưỡng; Khu du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần