Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phúc thẩm vụ Vinasun kiện Grab: Tuyên y án sơ thẩm

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tòa, đại diện Vinasun vẫn yêu cầu Grab bồi thường thêm số tiền hơn 36 tỷ đồng. Phía Grab yêu cầu tòa hủy toàn bộ án sơ thẩm và đình chỉ vụ kiện.

Nguyên đơn, bị đơn giữ nguyên quan điểm
Sáng 10/3, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab taxi Việt Nam (Grab) ra xét xử phúc thẩm.
 Tài xế Vinasun đến dự tòa phúc thẩm. Ảnh: NLDO
Phiên xử được tiến hành theo kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu tòa sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun; và kháng cáo của bị đơn yêu cầu tòa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ kiện. Bên cạnh đó, tại phiên tòa cũng xem xét những vấn đề Viện KSND TP Hồ Chí Minh và Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị, cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút do Grab gây ra…
Tại tòa, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun giữ nguyên yêu cầu Grab phải bồi thường hơn 36 tỷ đồng tiền thiệt hại doanh thu và yêu cầu cấp phúc thẩm tiếp tục khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải (KDVT) taxi.
Còn Grab giữ nguyên yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, nếu không đình chỉ vụ án thì sửa bản án sơ thẩm để xác định Grab không KDVT, không vi phạm Đề án 24; đồng thời yêu cầu bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của VinaSun.
Trước đó vào ngày 28/12/2018, HĐXX phiên tòa sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền trên 4,8 tỷ đồng là tiền thiệt hại ngoài hợp đồng (xe nằm bãi), không chấp nhận số tiền trên 36 tỷ đồng còn lại.
Án sơ thẩm nhận định Grab được Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 14/2/2014, điều lệ của Grab thể hiện trong các ngành nghề kinh doanh có vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt) cùng ngành nghề với Vinasun. Theo Đề án 24, Grab chỉ được phép kinh doanh cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, Grab lợi dụng Đề án 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình KDVT taxi tương tự Vinasun, gồm: Tuyển tài xế, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá; thu tiền trực tiếp của khách hàng vào tài khoản Grab, tài xế phải mở tài khoản nộp tiền vào Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách, quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng và giảm mức chiết khấu này, quy định thưởng phạt đối với tài xế, kể cả phạt đối với tài xế không nhận đón khách, mở hoặc tắt ứng dụng đối với từng tài xế, mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho hành khách và tài xế.
Mặt khác Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi trên giá cước vận chuyển, trong đó có cả những chuyến xe 0 đồng. Ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính có báo cáo thể hiện trong 4 năm (2014-2017) Grab lỗ trên 1.726 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi phí tiếp thị, quảng cáo, khuyến mãi, trong khi vốn điều lệ Grab chỉ có 20 tỷ đồng.
Grab vi phạm Đề án 24
Án sơ thẩm cũng khẳng định: “Grab đã vi phạm Nghị định 86 của Chính phủ, thông tư 63 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đặc biệt vi phạm nghiêm trọng Đề án 24. Trong văn bản của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh gửi cho tòa, thể hiện từ năm 2016 đến khi xử sơ thẩm, Thanh tra Sở lập 129 biên bản vi phạm (không giấy đăng ký kinh doanh, không có danh sách hợp đồng vận chuyển, không có phù hiệu, không niêm yết tên số điện thoại, địa chỉ doanh nghiệp, vi phạm ATGT, không niêm yết khẩu hiệu tính mạng con người là trên hết…). Đồng thời Bộ GTVT từng có 2 văn bản yêu cầu Grab dừng ngay dịch vụ kết nối đối với xe hợp đồng, nhưng Grab phớt lờ”!
Cũng theo án sơ thẩm, về khuyến mãi Grab tùy tiện tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày, vi phạm Nghị định 37 của Chính phủ. Trong văn bản Sở Công Thương trả lời tòa, từ năm 2016 đến tháng 10/2017, tiếp nhận 24 hồ sơ thông báo khuyến mãi của Grab. Nhưng theo vi bằng do Vinasun lập cho thấy Grab thực hiện 40 chương trình khuyến mãi không nằm trong chương trình đăng ký với Sở Công Thương.
Còn tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư đại diện Vinasun đặt ra nhiều câu hỏi và tiếp tục khẳng định Grab lợi dụng Đề án 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình KDVT taxi tương tự Vinasun, nhưng chỉ nộp thuế theo đơn vị kinh doanh phần mềm.
Về phía Grab cho rằng đóng thuế dựa trên doanh thu sau khi chia sẻ lại với các hợp tác xã (HTX) và các HTX có nghĩa vụ nộp thuế phần Grab chuyển sau khi trừ phí chia sẻ. Grab cũng khẳng định không vi phạm Đề án 24, và chưa có cơ quan nào khẳng định Grab vi phạm.
Sau 1 ngày xét xử, HĐXX TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên y án sơ thẩm.
Án sơ thẩm chỉ chấp nhận Grab bồi thường Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cho rằng có mối quan hệ nhân – quả. Vì từ tháng 1/2016 – 6/2017, lượng xe giới hạn dưới 14.000 chiếc, doanh thu taxi được cấp phép sẽ phải tăng. Trước năm 2016, toàn thành phố chỉ dưới 300 xe đăng ký phù hiệu hợp đồng; quý III/2016 lên 9.000 chiếc và quý III/2017 lên 23.000 chiếc. Tháng 6/2017, Vinasun trên thực hiện trên 1,1 triệu cuốc xe, trong khi Grab trên 2 triệu cuốc xe, có nghĩa xe Vinasun nằm bãi bị thiệt hại 4,8 tỷ, giảm giá trị vốn hóa thị trường kinh doanh trên 36 tỷ đồng, tổng thiệt hại trên 41,9 tỷ đồng. Tuy nhiên Vinasun không tách bạch thiệt hại nào do Grab gây ra. Do đó HĐXX phiên sơ thẩm tuyên buộc Grab bồi thường Vinasun trên 4,8 tỷ đồng, không chấp nhận số tiền trên 36 tỷ đồng còn lại.