Phúc Thọ chủ động triển khai phòng chống thiên tai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mức độ của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong năm nay được dự báo là yếu hơn trung bình nhiều năm, song ngay từ đầu mùa mưa bão, huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống thiên tai.

Còn tư tưởng chủ quan

Năm 2014, huyện Phúc Thọ có 3 đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và số 3 với tổng lưu lượng mưa 260mm đã gây ngập úng cục bộ một số diện tích lúa, hoa màu của một số xã trên địa bàn. Do chuẩn bị từ sớm, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị thủy lợi cùng các xã, thị trấn tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão. Cụ thể, huyện chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ vận hành 3 trạm bơm tiêu, 11 máy bơm với tổng công suất 34.800m3/giờ để bơm tiêu nước. Nhờ đó, toàn bộ diện tích úng ngập được xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Xử lý sạt lở đê Vân Cốc, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. 	Ảnh: Quang Thiện
Xử lý sạt lở đê Vân Cốc, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Đạc nhận định, công tác chuẩn bị PCLB trên địa bàn đã được chuẩn bị chu đáo với bộ máy tổ chức chỉ đạo thống nhất từ huyện tới cơ sở. Tuy nhiên, do những năm gần đây không có lũ lớn nên xuất hiện tư tưởng chủ quan, coi nhẹ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác PCLB, nhất là các xã, thị trấn xa sông, xa đê. Việc huy động vật tư PCLB của các xã lên điếm canh đê còn chậm, thiếu so với quy định, chất lượng vật tư chưa đảm bảo, chủ yếu ở các tuyến đê Ngọc Tảo, hữu Đáy, tả Tích... Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình thiên tai, dự báo hiện tượng bất thường của thiên tai trên địa bàn huyện chưa sát và kịp thời. Qua kiểm tra của huyện tại một số xã, thị trấn cho thấy, việc xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức lực lượng xung kích tại chỗ còn thiếu và mang tính hình thức.

"Đáng chú ý, một số đơn vị chưa thực hiện báo động kiểm tra quân số làm nhiệm vụ PCLB trong mùa mưa bão nên khi tình huống xảy ra, khả năng huy động lực lượng tại chỗ không cao" - Trung tá Nguyễn Văn Nhương – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phúc Thọ cho biết thêm.

Chủ động phòng chống

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong năm nay có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm về cả tần số và cường độ. Khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 cơn bão, đỉnh lũ tiểu mãn xuất hiện trên sông Hồng và sông Tích tương đương với năm 2014. Để chủ động phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCLB huyện Phúc Thọ yêu cầu các xã, thị trấn nghiêm túc xây dựng phương án ứng phó, kiện toàn bộ máy và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm về phòng chống thiên tai cho cán bộ, Nhân dân.

Tại Hội nghị tổng kết công tác PCLB năm 2014, triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2015 của huyện Phúc Thọ tổ chức ngày 5/5, đại diện nhiều xã, thị trấn cũng kiến nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm tu bổ, nạo vét các tuyến đê sông. Theo lãnh đạo UBND xã Hát Môn, tuyến kênh T2 từ địa bàn xã Hát Môn đi Thanh Đa mới được nạo nét nhưng phần đất bùn không được chở đi, ấp vào hai bên kênh làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước. Còn theo ông Hà Hữu Nho - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ, qua kiểm tra thực tế, cửa khẩu kênh dẫn từ sông Hồng vào sông Đáy đã bị bồi lắng 2/3, lòng kênh chỉ còn 4m nên không đảm bảo lưu lượng mở nước. Ngoài ra, cửa hút của các trạm bơm tiêu trong khu vực vùng bãi cũng bị bồi lấp, ảnh hưởng tới công tác tiêu úng.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Đình Thức - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ đã chỉ đạo các ngành, đơn vị và khối xã, thị trấn tích cực triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2015. Trong đó, chủ động xây dựng phương án, tổ chức huấn luyện, dự phòng đầy đủ vật tư, phương tiện, đảm bảo sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ đề nghị UBND huyện phối hợp với các ngành và các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng đê, kè, cống, điếm canh đê, công trình thủy lợi để có kế hoạch nạo vét, sửa chữa kịp thời, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần