Gian nan đường về đích
Dù là một huyện thuần nông, song đến nay, kết quả xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ đạt được rất đáng ghi nhận với 17/22 xã đạt chuẩn NTM (77,27%). Bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã thực sự đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp và hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố. Năm 2016, huyện Phúc Thọ đặt mục tiêu có 3 xã về đích NTM là Tam Thuấn, Long Xuyên, Liên Hiệp, còn lại 2 xã Xuân Phú và Thượng Cốc sẽ hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế đang nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khi Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM được điều chỉnh với yêu cầu ngày càng cao hơn.
Hệ thống thủy lợi ở nhiều xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ảnh: Quang Thiện |
Những khó khăn trong quá trình xây dựng cũng như hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã được đại diện nhiều xã chia sẻ tại buổi đối thoại với Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ tổ chức mới đây. Nhiều xã cho rằng, dù đã về đích NTM, song hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng vẫn chưa được cứng hóa, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Ở một số địa phương như Tích Giang, Ngọc Tảo, do hệ thống tiêu thoát nước không đảm bảo nên vẫn xảy ra tình trạng ngập úng gây thiệt hại lúa và hoa màu. Bên cạnh đó, hệ thống nước sạch sinh hoạt cũng còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. “Nước sinh hoạt ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nên phải được quan tâm thích đáng” – ông Kim Văn Đào, xã Hát Môn chia sẻ.
Đối với các xã chưa về đích NTM, khó khăn còn chồng chất hơn khi hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn ngổn ngang. Ông Hoàng Đông Hôn - Bí thư Chi bộ thôn Phú Châu, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ chia sẻ, là xã về đích sau nên địa phương gặp khá nhiều áp lực do hạ tầng cơ sở yếu kém, chưa đồng bộ. Đơn cử, ngoài hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình trường học, trung tâm văn hóa thể thao vẫn đang trong tình trạng... chờ đầu tư. Trong khi đó, kinh tế lại chủ yếu là thuần nông, thu nhập của người dân không cao nên nguồn lực đóng góp xây dựng NTM rất hạn chế.
Kiên trì bám sát mục tiêu
Được xếp vào nhóm những huyện có kết quả xây dựng NTM đạt loại khá của TP, song căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, huyện Phúc Thọ không đặt nặng việc về đích bằng mọi giá. Trước những khó khăn và đề nghị về hỗ trợ kinh phí của các xã, ông Doãn Trung Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, nhiều năm qua, thu ngân sách của huyện chỉ khoảng 100 tỷ đồng/năm, trong khi khoản chi lên tới 800 – 1.000 tỷ đồng. Do đó, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các xã cần phát huy nội lực trong quá trình triển khai xây dựng NTM. “Nếu không quyết liệt, đổi mới, phát huy nội lực thì rất khó để nâng cao đời sống cho người nông dân” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Kiên trì định hướng trên, huyện Phúc Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng NTM. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, sáng tạo việc thực hiện các tiêu chí, trong đó chú trọng các tiêu chí có sự tham gia sâu rộng của Nhân dân. Các tiêu chí cần ít vốn đầu tư thì hoàn thành trước, các tiêu chí cần nhiều vốn và khó sẽ làm từng bước, tập trung hoàn thành ở giai đoạn về đích. Đặc biệt, huyện lựa chọn, phấn đấu đưa các xã đạt chuẩn NTM theo lộ trình từng năm căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú khẳng định, xây dựng NTM là quá trình kiên trì và lâu dài. Do đó, đối với 17 xã hoàn thành NTM của huyện vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đối với các xã chưa đạt chuẩn NTM, trong bối cảnh kinh phí khó khăn, huyện chỉ đạo các xã làm từng bước, ưu tiên các xã chuẩn bị về đích. Quan điểm của huyện là đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 ưu tiên các hạng mục công trình phục vụ sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.