70 năm giải phóng Thủ đô

Phúc Thọ nhân rộng mô hình nuôi lợn sinh học

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi liên kết khép kín ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ đã chứng minh là hướng đi hiệu quả, bền vững với người nông dân trong bối cảnh chăn nuôi khó khăn, khắc nghiệt như hiện nay.

Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, xã Thọ Lộc đang chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Hưng Thỉnh, ở cụm 5, xã Thọ Lộc là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình. Hiện trang trại của ông duy trì thường xuyên 200 lợn thịt và lợn nái. Ông Thỉnh chia sẻ, trước đây, gia đình ông nuôi lợn theo hình thức công nghiệp, thường xuyên trong tình trạng được mùa, rớt giá. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối do chăn nuôi lợn gây ra ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình và hàng xóm. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang chăn nuôi lợn sinh học theo chuỗi khép kín đã hoàn toàn khắc phục được những hạn chế trên. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm khá ổn định do có đơn đặt hàng trước đó, nên dù giá lợn công nghiệp có biến động nhưng sản phẩm lợn sinh học vẫn được tiêu thụ với giá ổn định.
Do thức ăn của lợn chủ yếu bằng cám tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa hooc môn, thuốc kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc nên đàn lợn có tốc độ sinh trưởng ổn định, bình quân tăng 25kg/tháng. Chất lượng thịt ngon, thơm đặc trưng, đã được chứng nhận là thực phẩm an toàn. Giá bán ra luôn cao hơn so với lợn chăn nuôi thông thường từ 2.000 – 4.000 đồng/kg.

Từ 3 hộ ban đầu, đến nay mô hình đã nhân rộng lên thành 14 hộ, với quy mô chăn nuôi từ 50 – 200 con/hộ. Hiện tại sản phẩm thịt lợn sinh học Phúc Thọ không chỉ cung ứng cho người dân trên địa bàn mà còn có mặt tại hơn 10 đại lý ở khắp Hà Nội. Nhằm gắn chăn nuôi với giết mổ theo chuỗi khép kín, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ đã đầu tư xây dựng một khu giết mổ với công suất 50 con/ngày để sơ chế thực phẩm và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ trong chuỗi.

Ông Phùng Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết: Đây là mô hình chăn nuôi có tiềm năng, phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững. Mô hình này có thể mở rộng sản xuất và thị trường, trở thành sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của huyện Phúc Thọ trong những năm tới. Để mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học phát triển, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chuyển sang hình thức chăn nuôi mới để tạo ra nguồn thịt lợn sạch, đảm bảo VSATTP cung cấp cho thị trường. Đồng thời có chính sách quan tâm hỗ trợ người chăn nuôi về vốn vay ưu đãi, kiến thức, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào. Huyện cũng sẽ tiếp tục liên hệ với các công ty, DN, nhà hàng trong và ngoài huyện về bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo tính bền vững trong chăn nuôi.