Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương án “cấp cứu” cho thí sinh yêu thích ngành học có tiếng Hàn Quốc

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, ngành Hàn Quốc học thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh. Điểm chuẩn của các trường đại học (ĐH) học về ngôn ngữ tiếng Hàn luôn ở mức rất cao.

 Năm 2020-2021, ngành Hàn Quốc học, trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội lấy điểm chuẩn 30. Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc (ĐH Hà Nội), điểm chuẩn là 35,38 điểm (điểm Ngoại ngữ nhân đôi). Ngành sư phạm tiếng Hàn Quốc (trường ĐH Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia Hà Nội) điểm chuẩn là 35,87 còn ngành ngôn ngữ Hàn Quốc của trường này lấy 34,68 điểm (thang điểm 40).
 Ngành học có tiếng Hàn Quốc có sức hút mạnh với thí sinh 
Lý giải nguyên nhân vì sao ngành Hàn Quốc học có điểm chuẩn tuyệt đối (3 môn 10 điểm) ở mùa tuyển sinh trước, PGS.TS Bùi Thành Nam – Trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Hàn Quốc học là ngành học chuyên sâu về Hàn Quốc, bao gồm văn hóa, lịch sử, kinh tế, tính cách dân tộc, ngôn ngữ... của Hàn Quốc. Chỉ tiêu của ngành này rất thấp, chỉ tuyển 30 chỉ tiêu dựa vào kết quả thi. Tuy nhiên, nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Hàn Quốc học rất lớn nên điểm chuẩn mới cao như năm vừa qua.
Ngành Tiếng Hàn trở nên “hot” bởi có những sinh viên mới học năm thứ 3 nhưng đã có thể tham gia vào thị trường lao động và kiếm được tiền, mức lương cao. Cơ hội việc làm của ngành này là rất tốt; vì vậy ngày càng “hút” sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Thanh Nam cũng lưu ý thí sinh nên cân nhắc, dựa vào năng lực bản thân để chọn trường, chọn ngành học; kể cả thích học ngành Hàn Quốc học thì cũng vẫn cần suy nghĩ kỹ để chọn nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào các trường có ngành Hàn Quốc.
Còn TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội khuyên: “Thí sinh có sở thích tiếng Hàn nên quan sát, nghiên cứu phổ điểm của ngành này ở các trường trong 5 năm trở lại đây. Xét nguyện vọng từ cao xuống thấp, trường nào thích nhất sẽ đặt làm nguyện vọng 1 và xếp lần lượt các nguyện vọng sau”.
TS Cúc Phương cũng đưa ra phương án “cấp cứu” trong trường hợp, thí sinh không học được hệ chính quy vẫn có một số trường dạy tiếng Hàn theo hệ vừa làm vừa học và vẫn được cấp bằng theo quy định.
“Với hình thức này, thí sinh chỉ cần xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) bậc THPT. Trường sẽ tính điểm trung bình học bạ của thí sinh và xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Điều này giúp tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh ở các ngành này”- TS Cúc Phương nói.