Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy: Không có chuyện bị xử phạt vì “đi chợ không đúng phường”

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lãnh đạo UBND phường Nghĩa Tân khẳng định, thông tin lực lượng chức năng phường lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân với hành vi “đi chợ không đúng phường” là không chính xác.

Mới đây, trên một diễn đàn xôn xao bàn luận câu chuyện người dân bị phạt 2 triệu đồng vì lỗi “đi chợ không đúng phường" trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Theo thông tin đăng tải trên mạng xã hội, trường hợp này ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giáp phường Nghĩa Tân. Ở phường Dịch Vọng Hậu có chợ Nhà xanh nhưng chỉ chuyên bán quần áo, không bán thực phẩm. Bà con vẫn thường đi chợ Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân), cách nơi ở khoảng 500m.
 Lực lượng chức năng phường Nghĩa Tân dừng xe kiểm tra những trường hợp ra đường trong giai đoạn giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Văn Thảo – Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân xác nhận, phường có lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp nêu trên (ở phường Dịch Vọng Hậu) nhưng không phải vì lỗi "đi chợ không đúng phường".
Cụ thể, trường hợp trên bị xử phạt do không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cũng theo ông Lâm Văn Thảo, trước đó, khoảng 17h30 chiều 26/7, vợ chồng chị N.M.H (trú tại phố Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu) cùng di chuyển bằng xe máy qua chốt kiểm soát trước cổng UBND phường Nghĩa Tân. Nhìn thấy có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị 17, tổ công tác đã ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay sau khi biết vợ chồng chị N.M.H cùng nhau đi chợ Nghĩa Tân, tổ công tác đã giải thích việc này chỉ cần một người đi là đủ, không cần cả 2 phải cùng đi chợ. Tuy nhiên, chị H không chịu nghe tuyên truyền, giải thích mà lập tức to tiếng, cự cãi với cán bộ đang làm nhiệm vụ. Sau 2 tiếng đồng hồ làm việc, chị H liền xin lỗi vì bản thân đã nóng tính, xin được nộp phạt.
 Đối với những trường hợp vi phạm, có thải độ chống đối lực lượng chức năng sẽ lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định. Ảnh minh họa.
"Đối với trường hợp này, lúc đầu phường cũng chỉ có ý định tuyên truyền, nhắc nhở thôi. Nhưng chị H lại phản ứng thái quá. Hầu hết các trường hợp vi phạm ban đầu do chưa biết rõ về Chỉ thị 17 đều được phường tuyên truyền, ký cam kết. Riêng các trường hợp không hợp tác, có thái độ chống đối thì phường mới lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính" - ông Lâm Văn  Thảo cho hay.
Trước đó, tối 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND, theo đó Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 6 giờ ngày 24/7 trên phạm vi toàn TP.
Việc cách ly thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; TP cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Liên quan đến công tác đảm bảo nhu yếu phầm cho người dân, lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, hiện trên địa bàn quận Cầu Giấy có 145 siêu thị và cửa hàng tiện ích, 14 trung tâm thương mại cùng 10 chợ dân sinh. Trong đó, tại phường Dịch Vọng Hậu có 15 siêu thị và cửa hàng tiện lợi, 1 trung tâm thương mại… đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho Nhân dân trong thời điểm giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.