Để giữ cho ngành nông nghiệp khổng lồ của Ukraine phát triển, các quan chức Mỹ và phương Tây đang tìm kiếm bất kỳ phương án nào để tăng khả năng lưu trữ và vận chuyển thêm các loại ngũ cốc, lúa mì hoặc lúa mạch ra khỏi đất nước này.
Theo đài CNN, trong nhiều ngày gần đây, Liên hợp quốc (LHQ), NATO và Ủy ban châu Âu đã triệu tập một số cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này. Đã có những cam kết hỗ trợ mới cho ngành nông nghiệp Ukraine, bao gồm hỗ trợ trị giá 250 triệu USD từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Tuy nhiên, các quan chức phương Tây thừa nhận, không có giải pháp nào trong số đó có thể thay thế hàng triệu tấn lương thực mà Kiev có thể xuất khẩu từ các cảng nước sâu.
Theo Đại sứ Anh tại Barbara Woodward, kể từ khi rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen vào ngày 17/7, Nga bị cáo buộc tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào nguồn cung cấp ngũ cốc tại các thành phố quan trọng của Ukraine, bao gồm thành phố cảng Odesa.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda-Thomas Greenfield cáo buộc, cuộc tấn công của Nga vào cảng Chornomorsk của Ukraine, nơi “xuất khẩu gần 70% lúa mì Ukraine sang các nước đang phát triển, gây ra thiệt hại mà các chuyên gia cho rằng phải ít nhất một năm để khắc phục”.
Tổng Giám đốc USAID Samantha Power bày tỏ "thực sự lo lắng" về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bà Power nói rằng giá lúa mì đã tăng 10% sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine, được ký kết vào tháng 7/2022.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian - kéo dài khoảng một năm, cho phép ngũ cốc và lúa mì trị giá hàng tỷ USD được vận chuyển an toàn ra khỏi Ukraine qua Biển Đen.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vì cho rằng các điều khoản của Moscow không được phương Tây đáp ứng, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo, các tàu đi đến các cảng Biển Đen của Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu quân sự.
Theo Ủy ban châu Âu, Ukraine chiếm phần lớn nguồn cung lương thực của thế giới, bao gồm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch. Theo bà Power, khoảng 2/3 lượng lúa mì rời Ukraine qua các cảng Biển Đen đã đến các nước đang phát triển.
Đường bộ, đường sông và đường sắt
Vấn đề phức tạp là năm quốc gia EU, bốn trong số đó có biên giới với Ukraine - Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria - hiện đã cấm nhập khẩu ngũ cốc của Kiev để bảo vệ ngành nông nghiệp của các nước này, mặc dù sẽ cho phép quá cảnh.
“Mặc dù các khoản đóng góp trước đây của Mỹ đã được dùng để phát triển “các tuyến đường vận chuyển thay thế” - bà Power cho biết, đồng thời lưu ý, trong dài hạn, Washington sẽ ưu tiên đầu tư vào khả năng lưu trữ bổ sung vì sản lượng ngũ cốc sắp được thu hoạch sẽ cần lưu trữ ở một nơi an toàn trong khi chờ được đưa ra thị trường toàn cầu.
Theo bà Power, có những tuyến đường vận chuyển khác như đường bộ, đường sông và đường sắt để đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine.
Trước đó, Mỹ, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã thảo luận về cách sử dụng các tuyến đường như vậy sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự. Theo giới chức Kiev, việc vận chuyển ngũ cốc thu hoạch trong 1 năm bằng đường sắt đến Romania và Ba Lan sẽ mất tới 3 năm.
Sau khi đạt được thỏa thuận ngũ cốc vào năm ngoái, EU và Mỹ đã hợp tác chặt chẽ để mở rộng các tuyến đường bộ nhằm vận chuyển nông sản của Ukraine qua các quốc gia khác, như điều chỉnh các tuyến đường sắt để phù hợp với các loại khổ đường ray khác nhau.
Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng nông sản xuất khẩu qua các tuyến đường thay thế, nhưng chi phí đắt đỏ hơn đối với nông dân Ukraine.
Kees Huizinga, một nông dân ở Ukraine, chia sẻ với đài CNN rằng, “không có lựa chọn nào có thể thay thế hoàn toàn cho việc xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen”.
"Không có nơi nào để chuyển ngũ cốc của Ukraine khi các cảng bị đóng cửa, phong tỏa hoặc hư hại và bốn nước láng giềng của Ukraina chặn việc nhập khẩu lúa mì,” ông Huizinga cho biết.