Tổng thống Joe Biden đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga sau khi Moscow tiến hành hành động quân sự đặc biệt ở Donbass, bao gồm các biện pháp cản trở khả năng kinh doanh bằng các loại tiền tệ chính của Nga cùng với các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ vừa được công bố nhắm mục tiêu vào 5 ngân hàng lớn của Nga, bao gồm Sberbank và VTB, cũng như các thành viên của giới thượng lưu Nga và gia đình của họ. Sberbank, công ty cho vay lớn nhất của Nga, sẽ không thể chuyển tiền với sự hỗ trợ của các ngân hàng Mỹ.
Nhà Trắng cũng công bố các hạn chế xuất khẩu sâu rộng đối với Nga, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của nước này đối với mọi thứ, từ điện tử thương mại và máy tính đến chất bán dẫn và các bộ phận máy bay.
"Điều này sẽ gây ra những tổn thất trầm trọng đối với kinh tế Nga ngay tức thì và trong dài hạn"- Ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng, lưu ý rằng các biện pháp này được phối hợp cùng với châu Âu nhằm hạn chế khả năng kinh doanh bằng cả USD, euro, bảng Anh và yên Nhật của Nga.
Đáng chú ý, trong các bài phát biểu của Nhà Trắng và trả lời các câu hỏi của phóng viên, Tổng thống Biden từ chối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin và việc tách Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.
Đây là đợt trừng phạt lớn thứ hai chống lại Nga kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận độc lập của hai nước Cộng hòa tự xưng ở Donbass và gửi quân đến đó. Hôm 23/2, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty phụ trách xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga và ra lệnh trừng phạt hai tổ chức tài chính lớn của Nga.
Tại New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến bỏ phiếu nghị quyết do Mỹ soạn thảo về vấn đề Ukraine vào ngày 25/2 (giờ địa phương). Tuy nhiên, nghị quyết sẽ khó có khả năng được thông qua do Nga là một trong 5 nước ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết.
Hôm 24/2, LHQ cũng quyết định tăng cường hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ưu tiên các hoạt động bảo vệ người dân tại Ukraine. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã dành 20 triệu USD từ quỹ cứu trợ khẩn cấp của LHQ để chi gấp cho công tác cứu trợ nước này.