Tai nạn gia tăng
Năm 2020, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục có những bước tiến mới khi tình hình TNGT đều đặn giảm trên cả 3 tiêu chí. Số liệu thống kê mới nhất của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, 8 tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra 9.170 vụ TNGT, làm chết 4.342 người, bị thương 6.727 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%). Có thể nói, với tỷ lệ giảm tới 14,8% số người chết vì TNGT, đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong khi đường bộ và đường sắt - những lĩnh vực lâu nay luôn được đánh giá là “nóng” về tình hình TNGT cùng “hạ nhiệt” thì TNGT đường thủy trong 8 tháng năm 2020 lại bất ngờ tăng mạnh với 15,79% số vụ và 94,74% số người tử vong so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây nhất, tại hội nghị trực tuyến tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đưa ra những phân tích rất đáng chú ý về tình hình TNGT đường thủy trong thời gian qua. Cụ thể, trong tổng số 44 vụ TNGT đường thủy xảy ra, có tới hơn 43% do phương tiện loại nhỏ (chủ yếu là tàu, thuyền gia dụng, dân sinh) gây ra.
Cùng với đó, số người chết trong các vụ TNGT đường thủy do phương tiện loại nhỏ này gây ra chiếm tới hơn 78% người chết/tổng số người chết trong các vụ TNGT đường thủy trong 8 tháng qua (37 người chết). Cần phải thấy rằng, những phương tiện giao thông đường thủy loại nhỏ này chỉ có sức chở trên dưới 10 người và lâu nay vẫn không được xếp vào nhóm phương tiện đường thủy có nguy cơ gây TNGT cao.
Về công tác tuần tra, kiểm soát của cảnh sát đường thủy, Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang - Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm, Cục CSGT cho biết, hiện mới chủ yếu tập trung ở các tuyến đường thủy chính và chưa đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến lẻ, khu vực chưa được công bố khai thác vận tải. Trong khi phương tiện loại nhỏ, gia dụng chủ yếu hoạt động ở vùng sâu, vùng xa nên việc xử lý vi phạm loại phương tiện này còn bị trống.
Những khoảng trống trong quản lý phương tiện
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia nhận định, những bất cập trong công tác quản lý phương tiện giao thông thủy loại nhỏ hiện nay chính là nguyên nhân chính khiến TNGT đường thủy có dấu hiệu “tăng nhiệt”.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, phần lớn phương tiện giao thông thủy loại nhỏ là những phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản quy mô nhỏ, được các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về ATGT.
Và đương nhiên, trong quá trình hoạt động, các loại phương tiện thủy gia dụng này không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn cần thiết. Chủ những phương tiện này không đăng ký, không khai báo đồng thời khu vực hoạt động của phương tiện chủ yếu ở những vùng sâu, vùng xa nên càng khó bị phát hiện.
Thực tế, về mặt hành lang pháp lý và chế tài xử phạt, hiện nay, Luật Giao thông đường thủy sửa đổi năm 2014 đang có hiệu lực thi hành đã quy định chặt chẽ, phân cấp rõ ràng việc quản lý phương tiện loại nhỏ nhưng để đưa những phương tiện này vào khuôn khổ quản lý của luật vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc chủ các phương tiện thủy gia dụng phần nhiều là người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Thế nên, cách tốt nhất vẫn là tuyên truyền, vận động để họ nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về đăng ký, trang bị phao cứu sinh và tuân thủ quy tắc giao thông thủy để bảo đảm an toàn. Về giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, với việc Luật Giao thông đường thủy phân cấp quản lý phương tiện nhỏ cho chính quyền cấp xã nên cách tốt nhất vẫn là tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền, quản lý loại phương tiện này. Có vậy mới mong “bịt” được những lỗ hổng trong công tác quản lý và bảo bảo đảm ATGT đường thủy nội địa.
Hiện nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt bảo đảm đủ sức răn đe để ngăn ngừa vi phạm.
"Hạn chế hiện nay là chưa có số liệu thống kê toàn quốc về phương tiện thủy nói chung, phương tiện thủy loại nhỏ, gia dụng nói riêng. Vì vậy, lực lượng liên ngành đường thủy - đăng kiểm - CSGT toàn quốc cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quản lý và bảo đảm ATGT đường thủy, đặc biệt là phương tiện loại nhỏ, đò ngang." - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu |