Phút Giao thừa bên “hòm đồ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hòm đồ” là nơi họ tập kết xe, chổi… cũng là nơi họ quây quần bên nhau, đón Giao thừa vội vã giữa ca trực nhọc nhằn nhất năm của những công nhân vệ sinh môi trường (VSMT).

Phút Giao thừa bên “hòm đồ” - Ảnh 1
Bữa ăn nhẹ giữa ca của Tổ 17, Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm
Tại ngã ba đường 19/12 - Lý Thường Kiệt có một cây xạ hương chẳng ai còn nhớ tuổi đời; sát bên cây nọ là “hòm đồ” của Tổ công nhân VSMT số 17, Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm. Tổ có 26 người, hầu hết là nữ; thâm niên nhất là chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - Tổ trưởng. Chị Thủy vào nghề từ năm 18 tuổi, 25 năm gắn bó với cây chổi tre là 25 lần chị đón Giao thừa trên đường phố. Cùng tổ của chị có người cũng hơn 20 năm làm công nhân VSMT, có người mới chỉ vài tháng; bản thân chị đã 2 lần bị xe đâm trong lúc làm nhiệm vụ, còn có người tai nạn nặng quá buộc phải bỏ nghề. Chị Thủy tâm sự: “Nếu không yêu nghề thì không sao cố gắng được đến ngày hôm nay”.
Phút Giao thừa bên “hòm đồ” - Ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngoài cùng bên phải) cùng đại gia đình chị Tuyết - Tổ phó Tổ 17, Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm.
Đang xúm xít chuyện trò thì niềm vui bất ngờ ùa đến, con và cháu nội mới 6 tháng tuổi của chị Tuyết - Tổ phó Tổ 17 đến động viên bà. Các chị quấn lấy đứa nhỏ như muốn tìm chút hơi ấm gia đình trong đêm đông rét buốt, phảng phất giữa niềm vui là những ánh mắt chạnh buồn, những tiếng thở dài cố kìm mà không thể. Chị Thủy chìa cho tôi xem đoạn tâm sự của cô con gái trên trang Facebook cá nhân: “Tết qua nhanh đi, trôi nhanh lên đi. Bây giờ chỉ cần mẹ thôi, chỉ cần mẹ ở nhà đón Tết với con thôi. Con thương mẹ, cần mẹ lắm. Vì con mẹ khổ nhiều rồi”. Mắt chị rưng rưng nỗi buồn hòa lẫn với niềm hạnh phúc và tự hào. Tết đối với người Việt là dịp để sum họp gia đình, để trở về bên nhau sau một năm trường vất vả nhưng vẫn có những con người cặm cụi suốt năm, chăm chút vẻ sạch đẹp cho đời mà chẳng có mẩu thời gian cỏn con nào để nghĩ riêng cho mình.
Phút Giao thừa bên “hòm đồ” - Ảnh 3
Chuẩn bị dụng cụ đi tăng cường dọn vệ sinh cho khu vực Bờ Hồ.
Thoáng buồn trôi qua, họ vừa sì sụp cốc mỳ tôm vừa tán chuyện. Nào là năm nay ít tủ, giường, bàn ghế bỏ nên rác nhẹ hơn; may mà không mưa, lá rụng ít, quét đỡ vất hẳn; nào là nhặt nhạnh hộp nhựa cất đi, mai mốt bán lấy tiền sung quỹ Tổ đi hát karaoke… Chuyện vui, họ cười rôm rả, cái mệt cũng tan đi ít nhiều. Chị Thủy lui cui dọn dẹp bàn thờ, mâm cỗ cúng Giao thừa, chốc chốc lại nhắc nhỏm từng người về công việc, chị nói: “Từng con ngõ, con đường đều phải sạch sẽ để sáng mai mùng 1 người dân đi chúc Tết thêm phấn khởi, dễ chịu”.
Phút Giao thừa bên “hòm đồ” - Ảnh 4
Dù vất vả họ vẫn cười tươi
Phút Giao thừa bên “hòm đồ” - Ảnh 5
Một công nhân Tổ VSMT số 17 đang làm nhiệm vụ.
Ngày 7/2, ngày cuối cùng của năm Ất Mùi, cả Tổ 17 phải tăng ca từ 13 giờ đến 4 giờ sang hôm sau, tổng vệ sinh toàn địa bàn phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) xong lại tăng cường cho lực lượng dọn dẹp khu vực Bờ Hồ sau đêm pháo hoa chào năm mới.
Phút Giao thừa bên “hòm đồ” - Ảnh 6
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy đại diện cả tổ thắp hương phút Giao thừa
Phút Giao thừa bên “hòm đồ” - Ảnh 7
Thời khắc Giao thừa, khi cả đất trời ngừng lại trong cảm xúc bồi hồi các chị cũng tạm nghỉ tay để thắp nén hương lên cỗ bàn thờ đơn sơ lập ngay cạnh “hòm đồ”. Mâm cỗ Tết cũng có giò, có xôi, có rượu và bánh chưng nhưng chẳng ai kịp đợi đến tàn cây hương, lót dạ qua loa bằng cốc mỳ tôm hay miếng lương khô họ lại lục tục xách chổi lên đường. Dẫu vậy họ vẫn cười nhiều hơn, vẫn cùng hân hoan trong cảm xúc của xuân mới tràn trề hi vọng.