Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần thêm sức mạnh cho người dân cùng nhau vượt khó, đó cũng là truyền thống muôn đời còn đọng lại trong phẩm chất quý giá của người Việt.
Bỏ thói quen than khổ
Khi cuộc sống bình yên, người ta thường than về sự khổ, người đang từ cơm thịt thèm cơm hải sản, người đang ở nhà 50m2 thèm căn rộng 100m2. Ai ai cũng ngó lên những nấc thang cao hơn để so bì và phấn đấu. Ít ai bằng lòng với những gì mình đang có. Nhưng rồi khi hoạn nạn, người Việt bỗng xích lại gần nhau hơn, tính toán thiệt hơn cũng vì thế mà giảm hẳn.
Bà Nguyễn Hồng Bình - chủ quán ăn ở 77 Đặng Văn Ngữ hàng ngày thuê 5 nhân lực chạy bàn, làm bếp…, đều là những người ở thôn quê xa xôi. Đến ngày mùng 10 Tết Canh tý, giống như mọi năm, quán ăn lại mở, nhân công lại lên làm. Nhưng rồi, dịch bệnh Covid -19 khiến hàng quán vắng vẻ, bà Bình vẫn không cho ai nghỉ việc mà động viên mình tình trạng này chắc chỉ kéo dài 1 - 2 tuần, cùng lắm là một tháng.
|
Phát thực phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn vì dịch Covid - 19 trên phố Phan Kế Bính. Ảnh: Thanh Hải |
Trong tháng 2/2020, lãi doanh thu chưa đủ trả tiền nhà và tiền nhân công. Đến tháng 3 dự kiến đóng cửa quán thì Hà Nội có ca nhiễm bệnh đầu tiên, các tỉnh thành coi những người về từ Thủ đô là về từ vùng có dịch. 5 nhân công quán bà Bình mắc kẹt ở Hà Nội, tiền thuê nhà tiền ăn trở thành quá sức đối với họ.
Bà Bình dẹp ghế, ghép bàn biến quán ăn thành nơi ngủ cho nhân viên. “Mặt bằng quán vẫn phải thuê, vừa để giữ chỗ vừa không thể phá hợp đồng vì đền bù quá tội nên tôi động viên các cháu dọn về đây ở cho đỡ chi phí.
Không mở quán, không thể trả lương nhưng tôi và các cháu cùng nhau làm một số đồ giao bán online, tiền thu về đủ cho mọi người có tiền mua thức ăn. Thôi thì mỗi người bớt thu đi một tý, chờ lúc hết dịch mình lại làm bù” - bà Nguyễn Hồng Bình chia sẻ.
Chị Phùng Thị Hiếu (Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội) từng nghĩ mọi nỗi bất hạnh đều đang dồn trên đôi vai của mình. Khi 35 tuổi, chồng mất đột ngột vì tai nạn, đứa con 6 tuổi bị chứng tự kỷ nặng, đứa con thứ 2 vừa mới lọt lòng, công việc đã tạm nghỉ 3 năm để dành thời gian chăm đứa con.
Tiền thuê căn phòng 15m2, cùng mối lo cơm áo cho 3 miệng ăn trở thành gánh nặng với người phụ nữ này. Nhưng rồi, trong đại dịch, bức tranh của đứa lớn thực hiện tại nhóm học vẽ dành cho trẻ tự kỷ mang tên “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” được bán đấu giá thành công, với mức tiền 25 triệu đồng. Mẹ con chị Hiếu dành nửa số tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid -19, một nửa còn lại chị dành cho ca phẫu thuật ghép xương của con vào tháng 8/2020.
Liên lạc với chị Hiếu để hỏi về nghĩa cử của mẹ và con, chị Hiếu cho biết: “So với mọi người chúng tôi đóng góp như vậy chẳng được là bao nhiêu. Bình thường tôi sẽ nguyện góp toàn bộ 25 triệu đồng bán tranh để chống dịch Covid -19. Nhưng vì Long - con trai tôi ngoài bị tự kỷ còn bị liệt cơ trong và thiếu hụt xương bẩm sinh nên phải phẫu thuật mới tiếp tục duy trì một phần sự ổn định trong cơ thể cháu”.
Vị tha vì nhau
Lang thang đến địa chỉ số 63 - 54 Hàm Long (Hoàn Kiếm - Hà Nội), quán Cafe N2F, đầu ngõ 54 Lê Văn Lương (Thanh Xuân - Hà Nội), cổng chính ký túc xá Mễ Trì - số 182 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân - Hà Nội),... đều bắt gặp khẩu hiệu: "Ai cần cứ đến lấy"; "Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Những gói mì tôm, nửa cân gạo, quả trứng hay chai dầu… đều trở nên ý nghĩa với chị lao công, bác lao động nghèo thất nghiệp hay những anh xe ôm mải miết đưa hàng, đi tìm đồ ăn không có bán.
Khi những địa điểm phát quà này được mở ra, một vài người bắt đầu săm soi người đến nhận quà miễn phí có cả người đi xe ga, hoặc quần áo lịch sự… Nếu như trước kia, dư luận sẽ đổ xô vào “ném đá”, trách cứ người ta lợi dụng lòng tốt để ấm thân mình.
Thế nhưng, anh Nguyễn Phan Huy Khôi - chủ một DN, người đứng ra lo phát quà tại 2 điểm: Cổng chính Ký túc xá Mễ Trì và trên đường Lê Văn Lương cho rằng: “Tôi không quan tâm họ đi xe gì, miễn là họ thấy khó khăn và cảm thấy cần thì cứ đến lấy. Lúc này tình trạng khó khăn là chung trên cả nước chứ chẳng riêng ai. Mình còn có điều kiện khá hơn rất nhiều người công nhân ở các tỉnh lên đây làm việc, không có chỗ ăn, ở. Tặng cho họ món quà, không chỉ giúp họ bớt đi nỗi lo về một bữa ăn, còn khiến họ có lòng tin vào những điều tốt đẹp và để biết rằng, họ sẽ không bị bỏ rơi…”.
Người ta từng lo lắng, phần lớn giới trẻ ngày nay không còn cảm nhận được sự thôi thúc làm điều lành, tránh điều dữ; họ xem thường luân lý, đạo đức; và dường như, lương tâm của họ không còn cắn rứt nữa; họ đang rơi tự do trong một nền đạo đức xuống dốc trầm trọng.
Tình trạng giới trẻ sống buông thả, coi thường tiếng nói của lương tâm, đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là, các phương tiện truyền thông đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Giới trẻ thường lôi bè kéo cánh để đánh nhau, hiếp dâm, hành hung thầy cô giáo, anh giết em, con giết cha; thậm chí, trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều án mạng. Nhưng đó là một phần nổi trong bộn bề cuộc sống.
Giá trị tình người còn đọng lại trong tim
Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, phẩm chất “lá lành đùm lá rách” của người Việt đã có từ nghìn đời nay. Vào những lúc nước sôi lửa bỏng những phẩm chất quý giá ấy mới dễ dàng được soi sáng. Ví như nạn đói năm Ất Dậu 1945 mà lịch sử ghi lại có vẻ như chưa đầy đủ. Người ta mới chỉ ghi những tội ác của quân xâm lăng và lũ bán nước mà thôi.
Trong khi đó, lịch sử truyền khẩu dân gian vẫn còn đầy những câu chuyện cảm động. Nhiều gia đình địa chủ, tư sản mang lương thực và tài sản của mình ra phát không cho dân nghèo đến hạt gạo cuối cùng. Đến mức chính mình sau đó cũng phải đi xin ăn. Một đất nước vài nghìn năm không ngớt chiến tranh dĩ nhiên quân đội là lực lượng thường trực với quân số lớn. Khá nhiều triều đại và kể cả quân đội của chúng ta ngày nay cũng tồn tại dựa vào dân rất nhiều.
Dân thương và nuôi binh lính như con em trong nhà đã trở thành truyền thống lâu đời. Trong chiến tranh người dân địa phương cho bộ đội chẳng thiếu thứ gì nếu như họ có. Từ củ sắn, củ khoai cho đến lá cọ lợp nhà, tre pheo gỗ lạt dựng lán. Rừng mênh mông, bộ đội thiếu gì cứ việc vào lấy. Chỗ dựa để chúng ta chiến thắng quân thù không chỉ còn là vật chất mà là giá trị tinh thần to lớn trong Nhân dân. Giá trị đó tiếp tục được phát huy cho đến ngày nay.
Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, phẩm chất “lá lành đùm lá rách” của người Việt đã có từ nghìn đời nay. Vào lúc nước sôi lửa bỏng những phẩm chất quý giá ấy mới dễ dàng được soi sáng. Ví như nạn đói năm Ất Dậu 1945 mà lịch sử ghi lại có vẻ như chưa đầy đủ. Người ta mới chỉ ghi những tội ác của quân xâm lăng và lũ bán nước mà thôi. Trong khi đó, lịch sử truyền khẩu dân gian vẫn còn đầy những câu chuyện cảm động.
Giá trị tốt đẹp trỗi dậy "Trong chiến tranh dịch bệnh hoạn nạn thì những giá trị tốt đẹp mới trỗi dậy để hiểu lòng nhau hơn. Bằng chứng rõ nhất là trong đại dịch Covid -19 lần này, hàng trăm thanh niên trường ĐH Y đã tình nguyện xông pha vào tuyến đầu chống dịch, các chiến sĩ bộ đội đang tuổi 18 đôi mươi nhưng không quản ngại từ khuôn đồ đến chia sẻ chiếc mũ che nắng cho mọi người trong khu cách ly… Có người hách dịch, có người không hiểu làm loạn, nhưng chưa ai than mắng một tiếng. Mỗi người đều thường trực đức tính vị tha để mong muốn ngày mai cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. " - Nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), PGS.TS Trịnh Hòa Bình
Xã hội xích lại gần nhau, biết yêu thương nhau hơn "Trước đây, trên các trang mạng những thông tin về chém giết giật gân vì nó thu hút người đọc. Người ta hững hờ với hành động tốt vì khi đó cuộc sống bình yên, thật khó để xúc động về những điều tốt. Chỉ còn một bộ phận nhỏ những người gặp khó và cảm động về tình người, nhưng lại hạn chế trong cách chia sẻ nên tình người chỉ gói gọn trong tim người làm và người nhận. Người ta gọi cuộc chống virut Sars-Cov-2 còn có sức tàn phá lớn hơn cả một cuộc chiến tranh, phạm vi ảnh hưởng không chỉ trong một quốc gia mà là hơn 200 quốc gia trên thế giới. Hơn 3 tháng chống dịch ở Việt Nam, vất vả cùng những giọt mồ hôi và cả nước mắt, nhưng cũng là hơn 3 tháng cả xã hội xích lại gần nhau, biết yêu thương nhau hơn. Và thay vì quan tâm đến các tin chém giết, người ta tìm được những hành động đẹp, việc làm tử tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở mỗi mỗi con đường, góc phố, xóm làng. Đó sẽ là những điều còn đọng lại mãi mãi trong tim của người Việt." - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Thanh Khánh ghi) |