Quá khó để trừng phạt: Thành viên G7 vẫn mua dầu Nga trên mức giá trần

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một báo cáo gần đây trên tờ Wall Street Journal, Nhật Bản đã mua dầu thô của Nga với mức giá vượt trần 60 USD/thùng do các quốc gia G7 áp đặt ra hồi đầu năm nay.

Cuối năm ngoái, khi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine có hiệu lực, Nhật Bản thừa nhận nước này vẫn cần tiếp tục nhập khẩu dầu và LNG của Nga để bảo vệ lợi ích của mình trong các dự án dầu khí Sakhalin, mặc dù Tokyo đã đồng ý tuân thủ trần giá của G7.

Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản thông báo rằng dầu từ dự án Sakhalin-2 của Nga dành cho Nhật Bản sẽ được loại trừ khỏi giá trần, sau khi Bộ Tài chính Mỹ chấp thuận ngoại lệ này. Vào thời điểm đó, giới hạn giá vẫn chưa được thiết lập. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng đến hết năm 2022, Nhật Bản vẫn tuân thủ lệnh cấm của G7 đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga.

Mức trần giá được G7 đặt ra nhằm giảm doanh thu mà Chính phủ Moscow có thể thu được thông qua việc bán dầu thường xuyên và sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Nó vẫn cho phép các nước không thuộc G7 tiếp tục nhập khẩu dầu thô Nga nhưng không vượt quá mức 60 USD/thùng. Và nó cũng hạn chế các quốc gia đó sử dụng các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm liên kết với Mỹ hoặc các công ty phương Tây khác trong việc vận chuyển dầu Nga nếu họ trả nhiều hơn mức trần.

Các công ty Nhật Bản tiếp tục nắm cổ phần trong các dự án dầu khí Sakhalin vì mục đích cung cấp năng lượng sau chiến tranh. Nhật Bản không có tài nguyên hydrocarbon riêng, buộc phải nhập khẩu gần như toàn bộ năng lượng. Trong năm 2022, Nhật Bản được cho là đã hạn chế nhập khẩu dầu thô của Nga ở mức trung bình 35.000 thùng/ngày (bpd).

Theo dữ liệu thương mại chính thức được công bố trên các phương tiện truyền thông quốc tế, Nhật Bản đã mua trong tháng 1 và tháng 2 năm nay khoảng 748.000 thùng dầu của Nga, trị giá khoảng 6,9 tỷ JPY, tương đương 52 triệu USD, dưới 70 USD/thùng. Đầu năm nay, Shunichi Kito, chủ tịch Hiệp hội Dầu mỏ Nhật Bản và Giám đốc điều hành của công ty lọc dầu khổng lồ Idemitsu Kosan, cho biết Nhật Bản có khả năng phải nhập khẩu dầu từ Sakhalin để đảm bảo nguồn cung LNG.

Mùa Thu năm ngoái, Tokyo thừa nhận rằng 2 "gã khổng lồ" năng lượng Nhật Bản là Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. sẽ giữ 22,5% cổ phần của họ trong dự án Sakhalin-2, sau khi công ty này được Moscow tái cơ cấu. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) lúc bấy giờ cho biết, dầu được sản xuất tại Sakhalin-2 sẽ cần được xuất khẩu để duy trì hoạt động ổn định.

Một con tàu rời giàn khoan Sakhalin-1 ngoài khơi đảo Sakhalin của Nga. Ảnh: REUTERS
Một con tàu rời giàn khoan Sakhalin-1 ngoài khơi đảo Sakhalin của Nga. Ảnh: REUTERS

Nếu quá trình sản xuất dầu tại dự án Sakhalin-2 đạt đến điểm mà các bể chứa đầy, khiến việc sản xuất dầu và khí đốt bị đình trệ, thì dự án này sẽ ngừng sản xuất LNG và chấm dứt vận chuyển LNG đến Nhật Bản. Trong trường hợp đó, Nhật Bản sẽ mua dầu thô của Sakhalin để duy trì hoạt động của các đoàn tàu LNG, đảm bảo cung cấp khí đốt liên tục.

Ông Kito cho biết, vào thời điểm đó không có yêu cầu chính thức nào với công ty của ông về dầu thô từ Sakhalin, nhưng công ty của ông có thể sẽ hành động "trong trường hợp phải đối mặt với nhu cầu đảm bảo nguồn cung LNG ổn định", đồng thời cho biết thêm rằng dầu thô của Nga sẽ được coi là một ngoại lệ về giới hạn giá.

Theo METI, Sakhalin-2 LNG chiếm khoảng 9% tổng lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản và chiếm 3% sản lượng điện của nước này. Cơ sở của Nga sản xuất khoảng 9,6 triệu tấn mỗi năm. Khoảng một nửa trong số đó được xuất sang Nhật Bản, tương đương với khoảng 9% lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản.

Trước chiến tranh Ukraine, Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc, là khách hàng thường xuyên của dầu thô Sakhalin Blend. Các nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm Itochu và Marubeni, là đối tác trong tập đoàn Phát triển Dầu khí Sakhalin, nắm giữ cổ phần trong dự án Sakhalin-1 với 30% cổ phần.

Nhật Bản coi Sakhalin-1 là một nguồn dầu mỏ có giá trị ngoài Trung Đông. Khi nhập khẩu dầu thô của Nga giảm trong năm 2022, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã chuyển sang Trung Đông - nơi từng chiếm ít nhất 90% nguồn cung dầu thô nhập khẩu của quốc gia Đông Á này.

Hôm 1/4 vừa qua, Nhật Bản tuyên bố sẽ không khôi phục quy chế "tối huệ quốc" của Nga với tư cách là đối tác thương mại thêm 1 năm nữa. Tokyo đã rút tên gọi này vào năm ngoái sau khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine. Tình trạng này vốn mang lại cho Nga những lợi ích như thuế quan thấp và ít rào cản thương mại. Tuy nhiên, LNG và dầu mỏ vốn không bị ảnh hưởng, vì không có thuế quan đối với loại mặt hàng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần