Ma trận giá taxi, xe điện
Kết thúc kỳ nghỉ mát Hè 3 ngày 2 đêm tại Hạ Long cùng cơ quan, chị Thủy Tiên (quận Ba Đình) có khá nhiều kỷ niệm vui với đồng nghiệp. Bởi, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, cơ quan mới tổ chức được chuyến nghỉ mát Hè cho cán bộ, nhân viên nên ai nấy đều háo hức, phấn khởi.
Thế nhưng, đi cùng với niềm vui ấy, chị Thủy Tiên cũng không khỏi bùi ngùi với chất lượng dịch vụ ở Hạ Long. Không nói đến chuyện ăn uống đắt đỏ, phí taxi di chuyển nhảy cào cào từng chuyến, mỗi tài xế tính tiền một kiểu khiến cho chị cùng một số đồng nghiệp cảm thấy không thoải mái.
“Chúng tôi bắt taxi từ cổng Khách sạn Mường Thanh Luxury Hạ Long Centre sang Bảo tàng Quảng Ninh, trước khi lên xe tôi có hỏi kỹ thì tài xế bảo tính phí theo công tơ mét, số tiền khoảng 150.000 đồng nhưng đến nơi người này lấy 180.000 đồng. Thế nhưng, chiều về, chúng tôi chỉ phải trả 110.000 đồng cho một tài xế khác cũng với chặng đường tương tự. Rõ ràng, khoản tiền chênh lệch 70.000 đồng là bất bình thường” – chị Tiên chia sẻ.
Tương tự, do có lịch trình cá nhân, không thể đi theo xe chung của đoàn, anh Thanh Hải bắt taxi từ Khách sạn Mường Thanh Luxury Hạ Long Centre đi sang Tuần Châu resort Hạ Long dự gala dinner của cơ quan hết 250.000 đồng. Nhưng chiều về, anh lại chỉ phải trả mức giá 200.000 đồng khi đón taxi ở ngay cổng.
“Mỗi tài xế nói một giá và dù có tính tiền theo công tơ mét nhưng mức giá tiền thu của khách cũng khác nhau khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái” – anh Hải chia sẻ.
Nhiều du khách cũng phản ánh dịch vụ xe taxi, xe điện tại Hạ Long “chặt chém” khách hàng khi không mở công tơ mét và hét giá trên trời. Trên một diễn đàn review về du lịch Hạ Long, vấn đề giá taxi, xe điện cũng được nhiều du khách “kêu trời”.
Đơn cử, chủ tài khoản Phuong Yeti bày tỏ “Đi taxi, xe điện ở Bãi Cháy là một trong những trải nghiệm du lịch tệ hại nhất mình từng gặp. Gọi taxi, lên xe đồng hồ không bật, đến nơi lấy giá trên trời, hơn 1km lấy 70.000 đồng; cùng đoạn đường gọi 3 xe mỗi xe một giá. Xe điện thì hơn 1km chặt chém khách 200.000 đồng/xe. Việc đi xe đúng giá và tip thêm cho lái xe ít nữa thì không sao, khách và lái xe đều hài lòng, chứ kiểu “chặt chém” như như vậy thì vô cùng bực mình”.
Đi tàu ngắm vịnh phải… trả phí điều hòa
Tour đi tàu ngắm Vịnh Hạ Long mới đây cùng cơ quan là một trong những trải nghiệm đáng quên nhất trong số các chuyến đi du lịch của chị Nguyễn Thu Thủy (quận Cầu Giấy). Là một người yêu thích du lịch, đam mê xê dịch, vợ chồng chị Thủy hàng năm đều dành thời gian đi khám phá nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam và Hạ Long cũng không ngoại lệ.
“Tôi đã đi Hạ Long 5 lần, cả cùng gia đình, người thân, bạn bè và cơ quan nhưng chuyến đi đầu tháng 7 vừa rồi là chuyến gặp nhiều chuyện bực bội nhất” – chị Thủy cho biết.
Theo đó, cơ quan chị Thủy đã đặt thuê một chiếc tàu đi tham quan Vịnh Hạ Long với giá trọn gói 7 triệu đồng cho khoảng gần 30 người, không bao gồm chi phí ăn uống. Thời tiết nắng nóng, lên tàu, một số thành viên đề nghị chủ tàu bật điều hòa nhưng chủ tàu thông báo: Nếu bật điều hòa phải trả thêm phí 500.000 đồng/giờ.
“Nếu trước khi mua vé, chủ tàu thông báo quy định thì không nói làm gì. Đằng này, xuống tàu, xuất bến rồi mới thông báo, trong khi thời tiết nắng nóng, không bật điều hòa thì rất oi bức. Hơn nữa, phí điều hòa không được niêm yết, mà chủ tàu còn mặc cả, giảm giá nếu chúng tôi đi tuyến dài 6 tiếng nên tôi thấy nhập nhèm chuyện giá cả” – chị Thủy bức xúc.
Không chỉ câu chuyện phí điều hòa, chị Hồng Thao (Ninh Bình) cùng gia đình còn phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên trên tàu khi tham quan Vịnh Hạ Long vào cuối tháng 6 vừa qua. Đăng ký suất ăn trên tàu nhưng mỗi khi hỏi phục vụ thêm đồ gì thì nhân viên lại tỏ thái độ không mấy vui vẻ. “Không chỉ thế, dịch vụ trên tàu rất đắt đỏ, tôi gọi thêm hàu cho gia đình thì được hét giá 400.000 đồng/kg” – chị Thao cho biết.
Không chuyên nghiệp sẽ mất khách
Từ giữa tháng 6 đến nay, hình ảnh dễ nhận thấy tại các điểm du lịch nổi tiếng là lượng khách đổ về đông nườm nượp. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch Hạ Long nói riêng và ngành du lịch nói chung khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nhịp sống trở lại bình thường.
Theo thống kê của ngành du lịch Quảng Ninh, trong hai ngày cuối tuần qua (16 - 17/7), các điểm đến du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đón khoảng 160.000 lượt du khách trong nước và quốc tế, tương đương với cuối tuần trước. Trong đó, Vịnh Hạ Long đón khoảng 45.000 lượt khách, Bảo tàng Quảng Ninh khoảng 18.000 lượt khách, Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Hạ Long đón khoảng 50.000 lượt khách… Các vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn vẫn là điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách.
Điều đáng nói, cùng với khách du lịch nhóm nhỏ, gia đình, mùa Hè này, tỉnh Quảng Ninh có đón rất nhiều khách du lịch cơ quan, doanh nghiệp… Tuy nhiên, lượng khách tăng đột biến cũng gây nhiều áp lực cho dịch vụ du lịch của Hạ Long cũng như dễ dẫn đến tình trạng “chặt chém” du khách. Anh Nguyễn Quyết – CEO một công ty du lịch tại Hà Nội cho biết, Hạ Long có nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn như: Vịnh Hạ Long, đền Cửa Ông, đảo Cô Tô, Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Hạ Long… lại gần Hà Nội.
“Thời gian di chuyển đến Hạ Long ngắn nên đây là điểm đến được lựa chọn của nhiều đơn vị, công ty hay cá nhân. Nhưng do số lượng khách lớn đổ về, đặc biệt là các ngày cuối tuần, việc tìm phòng cho các đoàn rất khó vì các đơn vị đã chốt trước đó một tháng, thậm chí còn xa hơn. Nếu khách hàng muốn đi 2 ngày 1 đêm thì phải chốt trước đó lâu. Chứ gần ngày thì các khách sạn không muốn nhận những đoàn ở 1 đêm mà 2 đêm họ mới nhận” - anh Quyết cho biết.
Cũng theo anh Quyết, do lượng khách đông nên nhiều dịch vụ du lịch ở Hạ Long nảy sinh bất cập như tăng giá, chất lượng phục vụ kém, thậm chí có tình trạng “chặt chém” du khách. “Nếu ngành du lịch Hạ Long không cải thiện những vấn đề này, rất dễ rơi vào tình trạng vết xe đổ của Sầm Sơn cách đây gần 10 năm” – anh Nguyễn Quyết cho biết.
Quan điểm của anh Nguyễn Quyết cũng là góc nhìn của khá nhiều du khách. Trên diễn đàn review du lịch Hạ Long, nhiều ý kiến cũng bày tỏ Hạ Long nên cải tiến chất lượng dịch vụ và hỗ trợ tốt hơn cho du khách.
Chủ tài khoản Hoàng Hương Anh bày tỏ: “Mình thấy Hạ Long rất đẹp và có sức hút. Nhưng giá thì cao quá. Mức sống ở Hạ Long cao nhưng cũng không thể lấy đó làm lý do bao biện cho rất nhiều cửa hàng làm ăn chộp giật, chặt chém bừa bãi, vô lý”.
Hạ Long vẫn là một điểm đến thú vị trên bản đồ du lịch Việt Nam nhất khi sở hữu Vịnh Hạ Long - một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào các ngày 17/12/1994 và 2/12/2000. Hơn nữa, ngành du lịch Quảng Ninh cũng đã đưa thêm nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.
Tuy nhiên, trước những bất cập tồn tại trong đợt cao điểm Hè này, ngành du lịch Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung cần sớm tìm ra lời giải để du khách cảm thấy “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.