Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản chặt ODA để giảm nợ công

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp với một số bộ, ngành về việc quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra "tối hậu thư", chỉ dùng ODA cho đầu tư phát triển theo hướng "chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn để dòng vốn này phục vụ phát triển tốt hơn".

 Các tổ chức kinh tế đánh giá, giá thành 1km đường cao tốc của Việt Nam xây bằng vốn ODA cao gấp 2,5 lần Hoa Kỳ.
Nguồn vốn vay ODA thực chất là nợ quốc gia, (chiếm tới 85% danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ) được tính vào nợ công. Đặt trong bối cảnh xu hướng vốn vay ODA đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần vốn vay ưu đãi, vay thương mại tăng lên với yêu cầu ngày càng khắt khe, thì cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, nợ công của Việt Nam tăng bình quân 18,4%/năm, tức là cao gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP kinh tế. Báo cáo của Chính phủ cho biết nợ công đến cuối năm 2017 đạt khoảng trên 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Trung bình mỗi người dân Việt đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ là 4,2 triệu tỷ đồng. Thực tế, dư nợ công đã sắp đụng mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP. 5 năm gần đây, nợ công tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng mỗi năm.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó 300.000 tỷ đồng vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có văn bản thông báo với Chính phủ là số vốn vay ODA đã sắp vượt 300.000 tỷ đồng, nghĩa là sắp vượt trần cho phép.

Trong khi đó, đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra, so với nhiều nước, mức vay ODA của Việt Nam cao hơn nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Thí dụ, giá thành 1km đường cao tốc của Việt Nam xây bằng vốn ODA cao gấp 2,5 lần Hoa Kỳ. Để khắc phục điều này, Việt Nam cần có chính sách công khai minh bạch các dự án ODA. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cán bộ và quy hoạch các dự án phát triển của mình.

"Khó kiểm soát" ODA, “nghẽn” giải ngân, dự án đội vốn, tràn lan sử dụng không đúng, việc chậm tiến độ thi công thường dẫn đến phụ trội chi phí, thất thoát... là những thực tế đã được nhìn nhận. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao công tác quản lý nguồn vốn vay, đặc biệt là quản lý tài chính nguồn vốn ODA và vay ưu đãi mà Chính phủ đề ra là rất cấp thiết.

Song, tăng hiệu quả và trách nhiệm sử dụng ODA không chỉ rà soát, cắt giảm mà cần tăng cường công tác theo dõi, giám sát, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu về vốn ODA; Nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng và áp dụng các chế tài nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật, thậm chí khung pháp lý cho việc quản lý và sử dụng ODA phải chặt chẽ hơn nữa. Cần phải làm rõ cơ chế trách nhiệm trong quyết định các dự án đi vay ODA và người ký đề xuất vay ODA. Trách nhiệm và những chế tài cần được quy định rõ hơn, bởi nếu “vay sẽ trả” nên phải sử dụng hiệu quả.