Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan chức Anh bất ngờ cảnh báo về hậu quả nếu tịch thu tài sản Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Đầu tư Anh Dominic Johnson, chính quyền London cần bảo vệ danh tiếng của mình như một nơi “an toàn và ổn định” để đầu tư.

Các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận dự kiến ​​cho phép Brussels chuyển lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Ảnh: Tass
Các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận dự kiến ​​cho phép Brussels chuyển lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Ảnh: Tass

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 31/1, Bộ trưởng Đầu tư Anh Dominic Johnson cho biết, bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga đều phải được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế.

“Có rất nhiều việc phải làm liên quan đến đề xuất tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga. Chúng ta phải đảm bảo rằng mọi biện pháp đều tuân thủ chặt chẽ về mặt pháp lý” - Bộ trưởng Johnson nói với Reuters trong chuyến thăm Washington, nơi ông thảo luận vấn đề này với Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo.

Theo Bộ trưởng Johnson, Vương quốc Anh cần bảo vệ danh tiếng của mình như một địa điểm “an toàn và ổn định” để đầu tư, cũng như phải chứng minh với các nhà đầu tư trên thế giới rằng London đang “tuân thủ luật pháp và quyền tài sản”.

Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga. Kể từ đó, các quốc gia G7 đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận nhằm tìm giải pháp tịch thu khối tài sản này của Nga và chuyển chúng cho Kiev.

Đầu tuần này, Bỉ - quốc gia đang nắm chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, thông báo, các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận dự kiến ​​cho phép Brussels chuyển lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Được biết, nhóm G7 đang có kế hoạch bắt đầu thảo luận về tính hợp pháp của một động thái tương tự tại cuộc họp thượng đỉnh trong tháng 2.

Trong khi đó, tờ Fiancial Times đưa tin, các đặc phái viên của EU đã thông qua một kế hoạch nhằm dành hàng tỷ euro lợi nhuận được tạo ra từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga.

Khoảng 191 tỷ euro (206 tỷ USD) trong số 260 tỷ euro (291 tỷ USD) dự trữ cố định của Nga hiện do trung tâm thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ nắm giữ, tạo ra hàng tỷ euro khi chứng khoán đến hạn và được tái đầu tư.

Theo dự thảo mà Fiancial Times có được, lợi nhuận do trung tâm Euroclear tạo ra sẽ được ghi riêng mà không trả cổ tức cho các cổ đông cho đến khi các thành viên của khối nhất trí lựa chọn thiết lập “đóng góp tài chính cho ngân sách [EU] sẽ được huy động trên những khoản lợi nhuận ròng này để hỗ trợ Ukraine”. Các biện pháp được đề xuất dự kiến ​​​​sẽ chỉ nhắm mục tiêu lợi nhuận trong tương lai và sẽ không áp dụng hồi tố.

Đầu tháng này, Bỉ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự trị giá 611 triệu euro và nguồn tiền đó sẽ được lấy từ khoản thu nhập có được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

Hiện chỉ có khoảng 5-6 tỷ USD dự trữ cố định của Nga đang được giữ ở Mỹ. Hồi đầu tháng 1, một ủy ban thuộc Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn đạo luật giúp tạo tiền đề cho Washington tịch thu những tài sản đó.

Cũng có quan điểm thận trọng như Bộ trưởng Johnson, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Italia mới đây đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia Fabio Panetta tuần trước cảnh báo rằng việc sử dụng đồng euro làm công cụ trừng phạt kinh tế và tranh chấp chính trị sẽ gây tổn hại đến hình ảnh và vị thế của đồng tiền chung châu Âu.  “Quyền lực này phải được sử dụng một cách khôn ngoan” – RT dẫn tuyên bố của Thống đốc Panetta khi đề cập đến vị thế của đồng euro như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Về phần mình, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng bất kỳ bước đi nào liên quan đến tài sản dự trữ của Nga của các đồng minh phương Tây đều sẽ bị coi là hành vi “trộm cắp”, nhấn mạnh rằng việc tịch thu tiền hoặc bất kỳ động thái tương tự nào sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Hồi tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thiết lập cơ chế tạm thời tiếp quản tài sản nước ngoài tại Nga trong trường hợp các quốc gia khác tịch thu tài sản tư nhân hoặc chính phủ của Nga trong phạm vi quyền hạn của họ hoặc đe dọa an ninh quốc gia, năng lượng hoặc kinh tế của đất nước.