Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan chức Mỹ sẽ lần đầu gặp Taliban kể từ khi rút khỏi Afghanistan

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một phái đoàn Mỹ sẽ gặp đại diện Taliban tại Doha cuối tuần này. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao trực tiếp giữa hai bên kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 vừa qua.

Hai quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ với Reuters rằng, các cuộc gặp nói trên sẽ diễn ra tại Doha trong hai ngày 9 - 10/10. Phái đoàn cấp cao Mỹ sẽ bao gồm các quan chức đến từ Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) và cộng đồng tình báo nước này.
 Phái đoàn Taliban rời khách sạn sau khi tham dự cuộc họp về hòa bình Afghanistan tại Moscow, Nga hôm 19/3/2021. Ảnh: Getty
Theo nguồn tin trên, phái đoàn cấp cao của Mỹ sẽ thúc ép Taliban để đảm bảo quá trình tiếp tục sơ tán an toàn các công dân Mỹ cùng người nước ngoài ra khỏi Afghanistan. Mỹ cũng sẽ yêu cầu thả công dân Mỹ Mark Frerichs bị bắt cóc.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ hối thúc Taliban tuân thủ cam kết không cho phép Afghanistan trở thành nơi trú ngụ của nhóm al Qaeda cũng như các phần tử cực đoan khác.
Theo các quan chức, đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad, người nhiều năm dẫn đầu quá trình đối thoại của Washington với Taliban và là nhân vật chủ chốt trong các cuộc hòa đàm với phong trào vũ trang Hồi giáo, sẽ không tham gia cuộc gặp lần này. Phái đoàn của Mỹ sẽ bao gồm Phó đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ Tom West và quan chức nhân đạo hàng đầu của USAID Sarah Charles.
Về phía Taliban, các quan chức trong nội các mới ở Afghanistan sẽ dự sự kiện.
“Cuộc gặp này là sự tiếp nối của các cam kết thực dụng với Taliban mà chúng tôi đã thực hiện, liên quan tới các vấn đề lợi ích quốc gia quan trọng. Cuộc gặp không nhằm công nhận hay trao quyền hợp pháp cho chính quyền Taliban. Chúng tôi vẫn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng bất kỳ tính hợp pháp nào đều chỉ đạt được thông qua các hành động của chính Taliban. Họ cần phải thiết lập một hồ sơ theo dõi lâu dài"- một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói.
Washington và các nước phương Tây khác đang phải vật lộn với những lựa chọn khó khăn khi Afghanistan lún sâu vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Họ đang cố gắng hình thành cách thức tương tác với Taliban mà không phải công nhận tính hợp pháp của chính phủ mới tại Afghanistan, trong khi vẫn bảo đảm duy trì viện trợ nhân đạo cho nước này.
Nhiều người Afghanistan đã bắt đầu phải bán đi các tài sản của họ để lấy tiền mua thực phẩm ngày càng khan hiếm.
Ngân hàng Thế giới cho biết, sự ra đi của liên quân do Mỹ dẫn đầu và nhiều nhà tài trợ quốc tế đã khiến Afghanistan mất các khoản viện trợ tương đương 75% ngân sách chi tiêu công.
Mặc dù chính quyền Taliban đã có sự cải thiện để các tổ chức nhân đạo có thể tiếp cận một số khu vực họ chưa từng đến được trong một thập niên qua, nhưng các vấn đề vẫn còn tồn tại. Phái đoàn Mỹ dự kiến sẽ hối thúc Taliban tiếp tục cải thiện những điều kiện này trong cuộc gặp sắp tới tại Doha./.