Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin Klungsang đã đề xuất phương án thỏa hiệp với quân đội trong bối cảnh lực lượng này ngày càng can thiệp sâu vào vấn đề chính trị, nhấn mạnh việc tránh xung đột trong xác định vai trò của quân đội sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thủ tướng Srettha Thavisin.
Ông Sutin là Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Thái Lan không xuất thân từ quân sự. Đảng Pheu Thai của ông, đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, đã đưa cải cách quân sự vào cương lĩnh của mình trong cuộc bầu cử hạ viện hồi tháng 5 năm ngoái.
Đối với mục tiêu cải cách nền quốc phòng, quan chức này cho biết mọi việc nên tiến hành chậm rãi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố niềm tin quân đội sau những mâu thuẫn, đụng độ xảy ra trong quá khứ.
Trước đó, việc quyết định kết nạp các đảng ủng hộ đưa quân đội vào liên minh của Đảng Pheu Thái vào tháng 8/2023 đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ những người theo lập trường chống quân đội. Ông Sutin kêu gọi người dân và quân đội cần tăng cường cơ hội gặp mặt, giao lưu.
Theo quan chức này, điều quan trọng là quân đội phải giành được niềm tin của nhân dân, như tham gia vào công tác xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Đối với tình trạng đảo chính liên tục xảy ra trước đây tại Thái lan, ông Sutin cho rằng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về dân chủ, thay vì thể chế hóa yếu tố kiểm soát của chính quyền dân sự. “Việc điều chỉnh các hoạt động của quân đội bằng hiến pháp và các văn bản pháp luật khác là vô nghĩa,” ông nói.
Thái Lan cũng từng đối mặt với tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự. Về vấn đề này, ông Sutin cho biết chính phủ cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp thúc giục tinh thần tự nguyện đóng góp cho quốc phòng của người dân, bên cạnh các văn bản pháp luật. Để đạt được mục tiêu này, ông kêu gọi cải thiện chế độ lương thưởng và cho phép quân đội được học đại học trong thời gian thực hiện nghĩa vụ.
Ông Sutin cũng đang phải đối mặt với thách thức tinh giản đội ngũ cán bộ trong quân đội Thái Lan, với khoảng 2.000 tướng lĩnh trong bộ máy hiện tại. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ cắt giảm ít nhất 500 quan chức cấp cao vào năm 2027”.
Liên quan đến các quốc gia trong khu vực, bộ trưởng xem căng thẳng quân sự tại Myanmar là vấn đề ưu tiên cần giải quyết. Trong bối cảnh đụng độ giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang sắc tộc ngày càng tăng, ông Susin lo ngại về sự bùng phát của làn sóng người tị nạn từ quốc gia này vào Thái Lan.
Bangkok hiện đang tiến hành đường lối ngoại giao riêng với nước Myanmar, trong đó ông Sutin tiết lộ hai bên liên tục tổ chức các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo quân sự.