Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hà Đông: Hỗ trợ người sau cai nghiện vay vốn, tạo việc làm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản lý sau cai nghiện ma túy (CNMT) tại nơi cư trú là biện pháp hỗ trợ người sau cai nghiện phòng, chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng. Tại quận Hà Đông, nhiều đối tượng sau cai nghiện được tư vấn, vay vốn, hỗ trợ việc làm, có thu nhập.

Việc làm giúp các đối tượng sau cai tránh xa ma túy

Năm 2023, quận Hà Đông được giao chỉ tiêu lập hồ sơ và đưa 50 người đi cơ sở CNMT để cai bắt buộc; hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho 4 người sau CNMT. Trao đổi về việc thực hiện 2 chỉ tiêu này, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết, đến nay, quận đã thực hiện đưa đi cai nghiện bắt buộc đạt 60%. Với chỉ tiêu đào tạo nghề, việc làm, nhu cầu vay vốn của người sau CNMT, quận đã rà soát có 37 trường hợp, được bóc tách để hỗ trợ cụ thể.

14 trường hợp có nhu cầu tìm kiếm việc làm, Phòng LĐTB&XH quận có kế hoạch mời Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đến tư vấn, giới thiệu cho từng người vào vị trí công việc phù hợp. Hiện nay, toàn quận Hà Đông có 10 gia đình có người sau cai nghiện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với mức tiền trung bình 50 triệu đồng/hộ để bán hàng ăn, may và bán quần áo. Các hộ sử dụng đồng vốn vay đạt hiệu quả tốt, trả lãi đầy đủ nên đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay lại.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội khảo sát, đánh giá mô hình hoạt động Câu lạc bộ B93 phường Phú Lãm, quận Hà Đông. Ảnh: Trần Oanh
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội khảo sát, đánh giá mô hình hoạt động Câu lạc bộ B93 phường Phú Lãm, quận Hà Đông. Ảnh: Trần Oanh

Ngoài ra, tại 17 phường trên địa bàn quận Hà Đông có Đội công tác xã hội tình nguyện và Câu lạc bộ B93 có nhiệm vụ giúp đỡ, quản lý người sau CNMT cũng hỗ trợ người sau cai tìm việc làm.

Chia sẻ về công tác hỗ trợ người sau CNMT, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) Trần Văn Viên cho hay, hiện nay, phường Yết Kiêu có hồ sơ quản lý 19 đối tượng, trong đó có 1 trường hợp là quản lý sau cai, còn lại là những người trước kia sử dụng ma túy nhưng nhiều năm không dùng nữa.

Với những trường hợp có hồ sơ quản lý, các thành viên trong Đội công tác xã hội tình nguyện vận động họ không tụ tập, không mua bán và sử dụng chất ma túy. Với đối tượng sau CNMT, thành viên trong Đội thường xuyên thăm hỏi động viên, tham mưu, vận động, tạo điều kiện cho họ có công việc phù hợp với sức khỏe và mong muốn của bản thân.

Đơn cử, các thành viên Đội công tác xã hội phường Yết Kiêu vận động gia đình đối tượng N.V.Th. mua xe taxi để chở khách. Cùng với đó, kêu gọi bà con trong khu có nhu cầu đi đâu bằng ô tô thì gọi cho anh Th. Hiện nay, anh Th. đã có gia đình, vợ con, công việc ổn định và 10 năm rồi không sử dụng lại ma túy.

Hay trường hợp anh T. được Đội công tác xã hội phường Yết Kiêu động viên mở quán hàng bún chả, rất đông khách, thu nhập ổn định. Ngoài ra, có một số người sau cai nghiện ma túy được giới thiệu làm bảo vệ, chạy grab, làm khung nhôm cửa kính... có công việc và thu nhập ổn định, tinh thần rất phấn khởi, nhiều năm rồi không sử dụng ma túy.

Còn vướng mắc trong quản lý sau cai nghiện

Công tác quản lý sau CNMT tại quận Hà Đông đã mang đến những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội cũng như chính sách an sinh được đảm bảo. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan, thực tế tại quận Hà Đông, các đối tượng sau khi CNMT trở về thì hầu như không ở địa bàn quận, mà đi nơi khác nên rất khó khăn trong công tác nắm bắt đối tượng và tư vấn, giúp đỡ.

Việc hỗ trợ người sau cai cũng gặp vướng mắc xuất phát từ tâm lý của họ tự ti, không vượt qua được rào cản để hòa nhập cộng đồng. Về phía cộng đồng dân cư vẫn có khoảng cách nhất định với những người sau CNMT. Tuy nhiên, dù có khó khăn nhưng những người làm công tác quản lý sau cai vẫn tập trung triển khai công việc đạt kết quả để giúp người từng nghiện ma túy phòng chống tái nghiện.

Chia sẻ về công tác hỗ trợ và giúp đỡ người sử dụng ma túy, ông Trần Văn Viên cho rằng, khó khăn nhất là người sau CNMT và gia đình họ không hợp tác. Với kinh nghiệm 14 năm làm Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện, ông Viên phân công các thành viên trong đội ai sống tại tổ dân phố nào thì phụ trách quản lý, tiếp xúc với đối tượng sau cai ở nơi đó.

Các thành viên trong Đội thường xuyên gặp gỡ đối tượng để hỏi thăm tình hình, nắm bắt tâm tư. Nếu trường hợp nào gặp khó khăn, Đội sẽ tham mưu Công an có đề xuất với UBND phường quan tâm giúp đỡ. Đồng thời, các thành viên thường xuyên trao đổi với gia đình, vợ con đối tượng để tạo điều kiện cho họ ổn định về tinh thần để cố gắng vượt qua rào cản.

Một trong những khó khăn nữa là thiếu kinh phí hỏi thăm, hỗ trợ người sau CNMT. “Đội công tác xã hội tình nguyện là chỗ dựa cho người sau CNMT về mặt pháp lý, chuyên môn phòng chống tái nghiện. Nếu mình gần gũi, quan tâm động viên trường hợp khó khăn, sức khỏe yếu (cân đường, hộp sữa) họ thì người ta sẽ cởi mở chia sẻ và hợp tác” – ông Viên đề xuất.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị, với những đối tượng đăng ký CNMT tại cộng đồng, phải có biện pháp quản lý rạch ròi, gắn trách nhiệm của địa phương cao hơn. Ví dụ, đối tượng này cai nghiện tự nguyện bằng hình thức uống Methadone ở cơ sở cai nghiện cộng đồng thì cần có sự quản lý, giám sát, trao đổi giữa cơ sở và địa phương.

Trường hợp nào đang uống Methadone mà bỏ thì cơ sở báo ngay cho địa phương (trực tiếp là Đội công tác xã hội tình nguyện) để can thiệp kịp thời. Có như vậy, công tác CNMT tại cộng đồng và quản lý sau cai ở địa phương sẽ được nâng về chất lượng.