Thuận tiện mua bán, yên tâm phòng chống dịch
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa hết phức tạp, TP vẫn đang trong những ngày giãn cách xã hội, với đặc thù địa bàn không có chợ, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 phường Lê Đại Hành phối hợp Siêu thị Vinmart 191 Bà Triệu (Công ty CP DV-TM tổng hợp Vincommerce) vừa khai trương điểm bán hàng lưu động tại trường mầm non Vân Hồ (số 66 Vân Hồ 3). Mục đích là đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân phường thời gian giãn cách xã hội, trong đó chú trọng phục vụ các tổ dân phố 6, 8, 9, với khoảng 10 quầy hàng, cung cấp phong phú lương thực thực phẩm và một số nhu yếu phẩm thiết yếu (rau củ, quả, thịt, cá, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, bánh mỳ, giấy ăn…), phục vụ hằng ngày từ 7h-18h.
Với đặc thù địa bàn không có chợ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) phối hợp Siêu thị Vinmart 191 Bà Triệu (Công ty CP DV-TM tổng hợp Vincommerce) vừa khai trương điểm bán hàng lưu động tại trường mầm non Vân Hồ (66 Vân Hồ 3) |
Để tổ chức chu đáo hiệu quả nhất, BCĐ phường đã đề nghị lực lượng phụ nữ, thanh niên phường hướng dẫn người dân giữ khoảng cách khi mua hàng; các tổ dân phố tuyên truyền vận động Nhân dân mua hàng tại các địa điểm có đủ hồ sơ pháp lý, xuất xứ hàng hóa, chấp hành phòng chống dịch Covid-19 và kiên quyết không mua của hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống, rau củ quả tự phát trên địa bàn.
Ghi nhận qua 4 ngày mới đi vào hoạt động đã thu hút khá đông người mua, với gần 150 lượt người/ngày. Người bán, người mua đều chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19: Đeo khẩu trang, người mua được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào, phân luồng vào - ra…
Qua 4 ngày mới đi vào hoạt động, điểm bán đã thu hút khá đông người mua, với gần 150 lượt người/ngày; người bán, người mua đều chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19 |
Theo Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phường không có chợ, từ khi giãn cách xã hội, người dân được phát thẻ mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện ích thuộc phường mình và tại chợ Hôm-Đức Viên (phường Phạm Đình Hổ), nhưng trong đó siêu thị Vinmart Bà Triệu vừa phải phong tỏa do có F0. Trong khi, người dân muốn đến chợ Hôm-Đức Viên phải đi tương đối xa, người dân một số phường cũng đến đó mua nên khá đông người.
“Chúng tôi chủ động mở điểm bán này để phục vụ tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của Nhân dân. Toàn bộ cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu tự phát (không có ĐKKD) trên địa bàn cũng đã được yêu cầu dừng hoạt động, để chính quyền kiểm soát được xuất xứ, VSAT thực phẩm cung cấp đến người dân và đảm bảo phòng chống dịch”- bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh khẳng định.
Mục đích là đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân phường Lê Đại Hành thời gian giãn cách xã hội, điểm bán này cung cấp phong phú lương thực thực phẩm và một số nhu yếu phẩm thiết yếu |
Chỉ mở sau điểm bán hàng phường Lê Đại Hành 1 ngày, điểm bán hàng lưu động mới đây nhất tại quận là ở số 49 phố Lãng Yên. BCĐ phòng chống dịch Covid-19 phường Thanh Lương triển khai điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu này để phục vụ Nhân dân 3 tổ dân phố 19, 20, 21 của phường (khu vực ngoài đê sông Hồng) và cả người dân khu vực lân cận thuộc phường Bạch Đằng những ngày giãn cách xã hội.
Chủ tịch UBND phường Thanh Lương Bùi Quang Khải kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị trước khi triển khai điểm bán hàng lưu động tại số 49 phố Lãng Yên |
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Lê Thị Phương Thảo, thực hiện chỉ đạo của UBND quận, phường đã nhanh chóng phối hợp Liên hiệp hợp tác xã OCOP Việt Nam- đơn vị có chứng nhận VSATTP, đủ điều kiện vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu theo quy định, để phục vụ người dân địa bàn. Tại phường không có chợ dân sinh, những ngày giãn cách xã hội, người dân được bố trí đi chợ Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy) và chợ Hôm-Đức Viên (phường Phạm Đình Hổ) nhưng thực tế từ khu vực ngoài đê sang đó rất bất tiện, khoảng cách khá xa. Vì vậy, UBND phường đã khẩn trương tổ chức điểm cung ứng hàng hóa này và yêu cầu các tổ dân phố thông báo người dân mua hàng theo khung thời gian 3 ngày/lần, nhằm hạn chế tối đa ra khỏi nhà, giảm lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại điểm bán này cung cấp dồi dào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt gian súc, gia cầm, thủy sản… và gạo, thực phẩm khô; giá bán niêm yết công khai |
Ghi nhận thực tế, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt gian súc, gia cầm, thủy sản… và gạo, thực phẩm khô được cung ứng dồi dào, giá bán niêm yết công khai. Các quầy hàng được sắp xếp ngăn nắp. Người mua có thể chọn sẵn số lượng, mặt hàng cần mua theo mẫu in sẵn, từ đó nhân viên bán hàng tiếp nhận danh sách, chọn hàng hóa và chuyển sang quầy thanh toán. Nhờ vậy, việc mua hàng rất thuận tiện, nhanh chóng, bảo đảm giãn cách. Nhiều người dân đánh giá hàng hóa khá phong phú, rau, thịt tươi ngon, giá phải chăng; thay vì đi chợ xa, họ có thể đi bộ ra đây mua, rất gần, thuận tiện. Tại nơi bán hàng, lực lượng chức năng phường hướng dẫn người mua đo thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng ra vào 1 chiều, giữ khoảng cách với người bán... UBND phường cũng đề nghị nhân viên sau khi tính tiền cho khách cần giữ lại thông tin khách hàng, phục vụ công tác phòng chống dịch.
Điểm cung ứng này mở cửa hằng ngày từ 7h-18h. Ghi nhận sau 3 ngày triển khai, người dân đến mua hàng khá đông, với trung bình hơn 200 lượt người/ngày.
Tại nơi bán hàng, lực lượng chức năng phường Thanh Lương hướng dẫn người mua đo thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng ra vào 1 chiều, giữ khoảng cách với người bán... |
Giải pháp kịp thời đảm bảo dân sinh
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc cho hay: Phục vụ người dân toàn quận những ngày giãn cách xã hội, song song mạng lưới chợ truyền thống (Hôm-Đức Viên, Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Mơ, Vĩnh Tuy, Quỳnh Mai) được củng cố, giãn cách đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, hệ thống phân phối hàng hoá trên địa bàn có tổng cộng 264 cơ sở gồm chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm cung ứng thiết yếu của tổ chức, cá nhân. Tất cả đều công khai số điện thoại để Nhân dân 18 phường đặt hàng. Quận cũng đã xây dựng phương án cung ứng hàng hoá theo cấp độ dịch để đáp ứng nhu cầu nhu yếu phẩm của người dân trên địa bàn.
Đặc biệt theo UBND quận, kể từ điểm bán hàng lưu động đầu tiên tại phường Trương Định phục vụ hàng hóa thiết yếu cho người dân 6 phường trong khu vực, đến thời điểm này toàn quận có 8 điểm bán hàng lưu động, trong tổng số gần 30 điểm bán hàng lưu động toàn TP. Đó là tại nhà A chợ Đồng Tâm (phường Trương Định), phố Bạch Đằng (phường Bạch Đằng), phố Lãng Yên (phường Thanh Lương), trường THPT Đoàn Kết-Hai Bà Trưng (phường Quỳnh Lôi), nhà văn hoá cụm dân cư (phường Bạch Mai), trường MN Vân Hồ (phường Lê Đại Hành), trường THCS Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy). Sau khi khẩn trương triển khai các điểm bán hàng này đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch, UBND các phường đã thông báo trên hệ thống truyền thanh để người dân trên địa bàn đến mua sắm.
Các điểm bán chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân trong phường và các phường gần khu vực. Tham gia cung ứng thực phẩm gồm: Công ty CP SX&TM An Việt, Công ty TNHH thực phẩm Phú Thiên Tân, Công ty CP DV-TM tổng hợp Vincommerce, Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam, Siêu thị Vinmart+... Tại đây có bảng giá niêm yết cụ thể từng mặt hàng để người dân dễ tham khảo, an tâm mua sắm, góp phần hạn chế tập trung đông người tại chợ và siêu thị; đồng thời đảm bảo diện tích để thực hiện quy trình 1 chiều, ANTT, VSMT. Thời gian bán hàng tại các điểm đều diễn ra đến khi TP hết giãn cách xã hội. UBND quận cũng đã chỉ đạo các phường, phòng, ngành tiếp tục rà soát nhân rộng thêm những điểm như vậy để người dân không phải đi lại vòng vèo mới mua được hàng hóa thiết yếu, yên tâm tiếp tục chấp hành giãn cách xã hội.
Song song đó, UBND quận cũng tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế và UBND 18 phường tăng camera giám sát tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm cung ứng hàng hóa để phục vụ phòng chống dịch, truy vết khi phát sinh F0, F1… Trước mỗi khi kích hoạt một điểm bán hàng lưu động, lãnh đạo UBND quận đều trực tiếp đến kiểm tra công tác chuẩn bị và có ý kiến chỉ đạo UBND phường sở tại, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng phong phú, an toàn, chất lượng cho người dân, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (Công ty TNHH thực phẩm Phú Thiên Tân) đang phụ trách 1 quầy hàng trong điểm bán hàng lưu động tại phường Trương Định chia sẻ: “Qua thời gian bán hàng, tôi thấy người dân được phát vé, mua theo giờ và ngày chẵn-lẻ, nên việc mua bán không bị quá đông một lúc. Công tác tổ chức trong điểm bán rất tốt, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, chúng tôi cũng thấy yên tâm”.
Còn phía người dân, bà Nguyễn Minh Châu (ngõ Hòa Bình 7, phố Minh Khai, phường Minh Khai) bày tỏ: “Tôi đánh giá cao sự kịp thời của chính quyền quận và các phường trong triển khai mô hình bán hàng lưu động này, chính là biện pháp hiệu quả đảm bảo dân sinh và giúp người dân yên tâm chấp hành tốt quy định giãn cách xã hội".