Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Đối tác mà như đồng minh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên danh nghĩa chính thức, Ấn Độ không phải là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay Australia.

Dù vậy, Ấn Độ vẫn là một mắt xích quan trọng đối với Mỹ trong việc triển khai thực hiện điều chỉnh chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và nếu nhìn vào thực trạng và thực chất quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ về quân sự, quốc phòng và an ninh thì thậm chí còn có thể thấy mối quan hệ đối tác này chẳng kém gì quan hệ đồng minh.
Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Đối tác mà như đồng minh - Ảnh 1
Sau 12 năm đàm phán, Mỹ và Ấn Độ gần như đã kết thúc quá trình đàm phán về Thỏa thuận hậu thuẫn hậu cần (LSA) và Thỏa thuận về đảm bảo thông tin trong những hoạt động quân sự chung (CISMOA). Hai bên đồng thời còn đang xúc tiến đàm phán về việc Mỹ giúp Ấn Độ đóng tàu sân bay lớn nhất. LSA cho phép hai nước sử dụng căn cứ quân sự trên bộ, căn cứ không quân và hải quân của nhau để tiếp ứng hậu cần, sửa chữa và dừng chân. Mối quan hệ hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh này có những phương diện vượt xa quan hệ đồng minh giữa Mỹ và một số đối tác khác.

Mỹ và Ấn Độ có thể thúc đẩy được mạnh mẽ sự hợp tác này đến vậy bởi hiện tại có sự tương đồng sâu sắc về lợi ích chiến lược, về mục tiêu đối phó và về định hướng chiến lược để đối phó, như thể hội tụ đầy đủ các nhân tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Tổng thống Mỹ Barack Obama "xoay trục" về khu vực châu - Thái Bình Dương thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chủ trương "hướng Ấn Độ về phía Đông" và cái này bổ sung, hỗ trợ cho cái kia. Cũng còn có thể dễ dàng nhận thấy từ sau khi ông Modi lên cầm quyền ở Ấn Độ, cặp quan hệ song phương này được cải thiện rõ rệt. Mỹ và Ấn Độ chia sẻ mối lo ngại chung về Trung Quốc, về chủ định của Trung Quốc vươn ra ngoài cả trên bộ lẫn trên biển thể hiện ở chiến lược "một hành lang, một vành đai", đặc biệt về tham vọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, về việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự. Ngoài ra, việc Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh như thế cũng còn tương thích với việc Mỹ và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trên cùng các lĩnh vực ấy với nhiều đối tác khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Càng kéo được Ấn Độ về phía mình và ràng buộc được Ấn Độ vào hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh chặt chẽ như thế, Mỹ càng có thuận lợi trong việc phân hóa Ấn Độ với Trung Quốc và Nga. Hai nước này đang rất tranh thủ Ấn Độ và Ấn Độ cũng dùng họ để làm đối trọng với Mỹ trong những lĩnh vực nhất định. Họ đều là đối tác quan trọng của Ấn Độ, nhưng cũng chỉ là đối tác chứ chưa được giữa đối tác và đồng minh như Ấn Độ với Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần