Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quan hệ Nga - EU đối mặt với thử thách

Kinhtedothi - Ngày 13/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án Phương Tây can thiệp vào Ukraine và cho rằng quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với Nga đang đối mặt với "giờ phút thử thách".
Trên thực tế, mâu thuần giữa Nga - EU và đồng minh Mỹ về Ukraine đã diễn ra từ lâu và tạo ra cuộc đối đầu gay gắt giữa Đông - Tây.

Trong một bài viết trên tờ Kommersant, Ngoại trưởng Lavrov nhận định, dường như các đối tác phương Tây đang theo đuổi cách phản ứng mang tính phản xạ dựa trên nguyên tắc đơn giản "chúng ta chống lại bọn họ" và thực sự không nghĩ về tác động lâu dài của điều họ đang làm... Theo đó, trong tâm trí của các quan chức EU và Mỹ, lựa chọn "tự do" của người dân Ukraine đã được đưa ra và nó mang một nghĩa duy nhất là "tương lai châu Âu". Ngoại trưởng Nga cũng không ngần ngại cho rằng, cách tiếp cận của EU với tình hình Ukraine là mang tính đối đầu và phi lý, buộc nước này phải chọn giữa một bên là Nga cùng Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và một bên là EU cùng các nước khác.
Tình hình căng thẳng tại Ukraine thể hiện rõ mâu thuẫn lợi ích giữa Nga - EU và Mỹ.      Ảnh: AFP
Tình hình căng thẳng tại Ukraine thể hiện rõ mâu thuẫn lợi ích giữa Nga - EU và Mỹ. Ảnh: AFP
Từ cuối năm ngoái, mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Nga - EU đã leo thang sau khi chính phủ Ukraine đã không ký kết hiệp định liên kết với EU mà "hướng" sang Nga. Mặc dù, Nga và EU đã nhất trí không để những bất đồng về tình hình hiện nay ở Ukraine làm xấu đi quan hệ giữa hai bên nhưng trên thực tế, các diễn biến thời gian qua cho thấy, tính chiến lược của mối quan hệ này chưa thật sự bền vững như cách mà lãnh đạo hai bên khẳng định. Sự đối đầu Đông - Tây tại Ukraine đã có lịch sử hàng trăm năm qua khi Ukraine - quốc gia giàu tài nguyên, có vị trí chiến lược trong vùng Biển Đen là mục tiêu hấp dẫn trên bàn cờ địa chính trị khu vực.

Đối với Nga, việc giữ Ukraine là đồng minh thân cận có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự và Moscow có nguy cơ thiệt hàng chục tỷ USD nếu Kiev không ký kết hiệp ước thương mại với Nga mà ký với EU. Về chính trị, Tổng thống Viktor Yanukovich vốn thân Nga đã mất một thời gian dài mới có thể trở lại chiếc ghế quyền lực sau khi bị lật đổ bởi cuộc cách mạng Cam năm 2004. Nếu ông Yanukovich một lần nữa bị lật đổ, Moscow sẽ mất đi một chỗ dựa quan trọng để tăng cường sự hiện diện tại Ukraine. Về quân sự, Nga không muốn mất quân cảng Sevastopol của hạm đội Biển Đen - vùng biển mà Pie Đại đế đã mất hàng chục năm với 3 cuộc chiến tranh để mở đường kết nối. Nếu Ukraine quay sang bắt tay với phương Tây, hải quân Nga có thể sẽ không có chỗ đứng tại vùng biển được đánh giá có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của nước Nga. Đặc biệt, Moscow càng không muốn Kiev xích lại gần EU và gia nhập NATO để NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất Ukrainre - đất nước có đường biên chung với Nga.

Trong khi đó, Mỹ và EU muốn kéo Ukraine về phía mình nhưng giữa lúc nước này cần tiền để tiến hành cải cách kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu ký kết hiệp ước thương mại với chính EU thì khu vực này lại không chịu chi tiền viện trợ do gánh nặng tài chính với Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Cho đến khi Ukraine quyết định ngả sang Nga, EU mới vội vàng kêu gọi Kiev đối thoại, còn Mỹ vội vàng thực thi cấm vận đối với Kiev vì cho rằng chính quyền đã đàn áp người biểu tình. Với gói cam kết viện trợ được đưa ra hồi đầu tháng 2, Mỹ và EU đã khẳng định quyết tâm tham gia cuộc chơi tại Ukraine. Và những diễn biến hiện nay cho thấy, cuộc đối đầu Đông - Tây giữa Nga với Mỹ và EU chắc chắn sẽ còn tiếp diễn cho đến khi người dân Ukraine thực sự đưa ra được lựa chọn có lợi cho đất nước mình.

 

 
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ