Quan hệ Nga - Thổ: Sai một ly, đi một dặm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dữ liệu ban đầu của hộp đen máy bay Su-24 của Nga bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi dự kiến được công bố vào 21/12.

Nhưng dù kết quả trong hộp đen như thế nào thì mối quan hệ giữa hai nước đã rơi vào tình trạng “đóng băng”, khiến Ankara rơi vào thế đơn độc trên trường quốc tế.
Hộp đen chiếc Su-24 đang được giải mã.
Hộp đen chiếc Su-24 đang được giải mã.
Theo thông tin của Lực lượng Hàng không và vũ trụ Nga, 3 con chip của hộp đen máy bay đã bị hư hại. Hiện, các chuyên gia đã tiến hành mở từng lớp vỏ bọc của chiếc hộp đen này và cần thêm nhiều thiết bị đặc dụng khác để giải mã bộ nhớ hộp đen, Thiếu tướng Sergey Dronov - Phó Tư lệnh Lực lượng không quân và vũ trụ Nga cho biết.

Tuy nhiên, cho dù kết quả từ hộp đen có khẳng định việc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không thì quan hệ giữa hai nước cũng đang phải trải qua tình trạng “lạnh giá” nhất. Ngay sau khi tìm thấy hộp đen, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố, các dữ liệu sẽ cho thấy máy bay Nga không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và tái khẳng định hành động “đâm sau lưng” của nước này.

Ngoài các biện pháp trừng phạt về kinh tế như cắt dự án đường ống dẫn dầu và hạn chế các sản phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong buổi họp báo cuối năm, Tổng thống Putin cũng “bóng gió” về khả năng quân sự của Nga với mục đích cảnh báo Ankara.

Cụ thể, sau khi tán dương thành tích của đội ngũ phi công và tình báo Nga làm việc tại Syria, ông Putin lưu ý, đây chưa phải là toàn bộ khả năng quân sự của Nga, và khẳng định, nếu cần thiết, Nga có thể bổ sung thêm các vũ khí tối tân.

Phát biểu của Tổng thống Putin được các nhà quan sát đánh giá là “cứng rắn” và dành cho đối tượng cụ thể. “Ý kiến của Tổng thống Putin cũng có thể được hiểu là nhắm đến Thổ Nhĩ Kỳ” - học giả và cũng là cựu phóng viên CNN Dougherty nhận định.

Thực tế, kể từ sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi, Nga đã tiến hành các hoạt động vũ trang tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi đầu tháng, Nga đã đưa hệ thống tên lửa BUK tới sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Các giàn tên lửa tầm ngắn này được các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa chiến lược S-400 tại căn cứ Latakia phía Tây Bắc Syria hỗ trợ. Sau vụ Su-24 bị bắn rơi, Nga đã áp dụng các biện pháp phòng không chủ động như rà quét, khóa mục tiêu máy bay chưa được nhận dạng, sẵn sàng gây nhiễu hoặc đánh chặn nhằm ngăn chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập không phận Syria.

Điều quan trọng nhất là các đồng minh phương Tây dường như cũng e ngại ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ việc lần này. Trong quá trình nghiên cứu kết quả hộp đen, Nga đã mời 14 chuyên gia nước ngoài cùng phân tích nhưng chỉ có 2 chuyên gia nhận lời là chuyên gia người Anh và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, gần đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi được hỏi đã cho biết, Mỹ không có thông tin chi tiết về vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Như vậy, ngay cả Mỹ - đồng minh thân thiết của Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối liên quan đến vụ việc. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ gần như rơi vào tình cảnh đơn độc trên trường quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần