Công trình văn hóa đình Cổ Vũ gắn với địa danh trước đây là phường Cổ Vũ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, sau đổi tên thành phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đình được xây dựng lâu đời để phụng thờ các thần là Bạch Mã đại vương (vị thần trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long), Linh Lang đại vương (vị trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long).
Ngoài ra, di tích còn phối thờ Bảo Ninh công chúa phu nhân của Châu mục châu Chân Đăng dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128).
Đây là công trình văn hóa có niên đại xây dựng từ thời Lê, đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố theo quyết định số 4285/QĐ-UBND ngày 4/8/2016.
Trải qua thời gian dài, ngôi đình đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần qua các năm: Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778); Tự Đức năm Tân Tỵ (1881); được trùng tu lớn vào năm Đinh Hợi (2007) với trình kiến trúc của các định bao gồm: nghi môn, tiền tế và hậu cung. Đó là kiểu nhà có bố cục mặt bằng đặc trưng của kiến trúc truyền thống trong khu phố cổ với hai nếp kiểu chữ “Nhị".
Năm 2019, được sự quan tâm của UBND quận Hoàn Kiếm, Đình Cổ Vũ đã được quận phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo. Các hạng mục tu sửa như: Nghi môn, Đình chính, sân vườn, tường rào, lối đi, cải tạo hệ thống cấp thoát nước, xử lý chống thấm, lắp đặt hệ thống chiếu sáng kiến trúc, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Sau hơn 1 năm triển khai tu sửa, ngày 27/7/2022 (ngày 29/6 năm Nhâm Dần) cán bộ và nhân dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm tổ chức dâng hương hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo Đình Cổ Vũ và đưa vào hoạt động sử dụng.
Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, lưu giữ di sản cho thế hệ mai sau và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, trở thành điểm tham quan, giới thiệu với du khách khi đến thăm Thủ đô Hà Nội. Di tích đình Cổ Vũ sẽ trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và là sợi dây gắn kết cộng đồng, thể hiện nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.
Định Cổ Vũ còn là nơi bảo lưu bộ sưu tập di vật văn hóa có giá trị lịch sử. Trong đó có các tấm bia đá cổ mang giá trị đặc biệt hơn cả, bia sớm nhất dựng năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778), các bia có nội dung ghi việc xây dựng, trùng tu, sửa chữa và biểu dương những người công đức.
Di tích còn có hệ thống các đạo sắc phong thần dưới triều đại Nguyễn: Duy Tân năm thứ 3 (1909); Khải Định năm thứ 9 (1924)... Ngoài việc giới thiệu về công tích và sự nghiệp của các vị thần được thờ, các di vật này còn minh chứng cho sự ra đời sớm của đình Cổ Vũ.
Giá trị nghệ thuật độc đáo của di tích được thể hiện tập trung qua hệ thống các di vật gỗ chạm như: hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ... đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp kiến trúc của di tích. Chủ đề trang trí vẫn là những linh vật và hoa cỏ truyền thống thể hiện sự khát vọng của con người đối với cuộc sống thiên nhiên.
Mỗi năm 2 lần tại đình Cổ Vũ chính quyền và nhân dân địa phương lại tề tựu đông đủ để tổ chức tế lễ để tưởng nhớ công đức của các vị thần. Ngày 16 tháng 4 (âm lịch) là ngày hóa thần Bạch Mã, ngày 12 tháng Chạp là ngày hóa của thần Linh Lang.
Trước thời điểm hoàn thành việc tu sửa, đình Cổ Vũ mở cửa đón khách vào các ngày 14 – 15 và 29 – 30 âm lịch. Sau khi hoàn thành việc tu sửa (27/7/2022), UBND phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm xây dựng kế hoạch mở cửa đón khách trong nước, quốc tế đến lễ, tham quan vào tất cả các ngày trong tuần.
Với một cảnh quan tôn nghiêm và mang đậm không gian văn hóa truyền thống, lại tọa lạc trên tuyến phố văn minh thương mại, đình Cổ Vũ không chỉ là di tích có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật mà còn là một điểm văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế tham quan.