Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nhìn từ vụ ngộ độc Pate Minh Chay: Những lỗ hổng chậm được xử lý

Trọng Tùng - Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, người tiêu dùng không khỏi giật mình, lo lắng trước thông tin nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Điều đáng bàn là qua vụ việc cho thấy vấn đề quản lý bộc lộ nhiều lỗ hổng.

Cán bộ Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh lập biên bản thu hồi sản phẩm pate Minh Chay do người dân giao nộp. Ảnh: Nguyễn Thủy
Dấu hỏi về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu
Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) được thẩm định, đánh giá xếp loại B về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhưng lại sản xuất sản phẩm pate Minh Chay có chứa chất cực độc. Đáng chú ý, nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu sản xuất ra loại pate này vẫn đang là dấu hỏi lớn.
Công ty này có loại hình sản xuất, kinh doanh là chế biến thực phẩm chay (bò, cá, giò, chả, mọc, xúc xích, pate, bánh, ruốc nấm); rang và đóng gói muối vừng các loại hạt. DN được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp phép kinh doanh lần đầu tiên vào ngày 5/1/2018 và thay đổi lần thứ nhất vào ngày 26/3/2020. Căn cứ Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ NN&PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã thẩm định ATTP và ban hành Thông báo số 03/TB-QLCL ngày 2/1/2020 về công nhận kết quả kiểm tra thẩm định xếp loại B. Công ty được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP số 01/2020/NNPTNT-HAN ngày 3/1/2020.
Theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, tần suất thẩm định, đánh giá định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản là 12 tháng/1 lần đối với cơ sở được xếp hạng B. Do mới chỉ được cấp giấy chứng nhận từ tháng 1/2020 nên Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội chưa tiến hành thẩm định, đánh giá định kỳ theo quy định.
Mới xử phạt hành chính
Thực hiện công tác giám sát chất lượng ATTP trên địa bàn TP, ngày 25/5/2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã lấy mẫu hai sản phẩm: Pate Minh Chay và ruốc nấm cháy tỏi của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới để kiểm tra. Kết quả, cả hai mẫu đều bảo đảm ATTP đối với các chỉ tiêu phân tích. Sau khi có thông tin “Cảnh báo khẩn cấp về sản phẩm pate Minh Chay do phát hiện chứa vi khuẩn Clostridium Botulinum typ B của Cục ATTP Bộ Y tế, Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với DN, xác minh làm rõ các nội dung.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, tại thời điểm kiểm tra, Công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất. Công ty cũng chưa cung cấp được số lượng nguyên liệu nhập kho để sản xuất các loại sản phẩm; số lượng toàn bộ sản phẩm đã sản xuất; số lượng toàn bộ sản phẩm đã cung cấp ra thị trường; cũng như các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1/7 - 28/8/2020, để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Trước những vi phạm của Công ty, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 17,5 triệu đồng. Sở cũng đã tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với DN trên cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.
Sẽ đề nghị công an vào cuộc
Liên quan đến xử lý sản phẩm pate Minh Chay chứa vi khuẩn độc, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết: “Đây là vụ ngộ độc chưa từng ghi nhận, báo cáo tại Việt Nam trong hàng chục năm qua. Ngộ độc vi khuẩn Clostridium Btulinum khá hiếm gặp, vì vi khuẩn chỉ phát triển trong điều kiện phù hợp, dù tồn tại nhiều nơi trong thực phẩm môi trường”. Theo ông Phong, Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến các sở, ngành chức năng thông báo về sự việc và đề nghị các ngành trực tiếp quản lý cơ sở tiếp tục có động thái kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật nếu có vi phạm.
“Nếu có vi phạm liên quan đến hình sự như sản phẩm ảnh hưởng sức khỏe, chúng tôi sẽ chuyển cơ quan công an điều tra”- ông Nguyễn Thanh Phong nói và cho biết không chỉ thu hồi sản phẩm pate Minh Chay, Cục ATTP còn yêu cầu các địa phương thu hồi 13 sản phẩm khác của công ty này, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm. Các sản phẩm này được coi là có nguy cơ nhiễm khuẩn, vì sản xuất trong điều kiện cơ sở không bảo đảm các quy định ATTP. “Việc xử lý thu hồi sản phẩm vi phạm cần chính xác, đúng sự thật, nếu cơ quan quản lý sai, chậm trễ, phải chịu trách nhiệm”- ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay mới 20 người sử dụng thực phẩm này phải nhập viện, nhẹ thì đau đầu, liệt cơ, nặng thì hôn mê, phải thở máy và chưa tiên lượng được sức khỏe, tính mạng.

Vụ việc Pate Minh Chay gây ngộ độc là lời cảnh tỉnh người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, nhất là thức ăn đóng hộp. Đối với nhà sản xuất cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, bảo quản và chế biến để đảm bảo an toàn.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai