Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý chặt an toàn thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ đầu năm 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyên ngành. Hàng trăm trường hợp có vi phạm, nhất là về an toàn thực phẩm (ATTP) đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm.

Vi phạm chưa có chiều hướng giảm
Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã tập trung kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các loại sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định pháp luật về ATTP. Các đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 68 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Qua đó đã phát hiện 20 tổ chức, cá nhân có vi phạm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt với tổng số tiền hơn 656 triệu đồng.
 Lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở. Ảnh Lâm Nguyễn
Đáng chú ý trong lĩnh vực ATTP, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 10/13 tổ chức, cá nhân có vi phạm, với các hành vi phổ biến như: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh ATTP; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không đủ thông tin trên tem nhãn theo quy định… 10 tổ chức, cá nhân có vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính gần 190 triệu đồng.

Cùng với lực lượng chức năng thuộc Sở NN&PTNT, những tháng đầu năm 2021, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP đối với 1.419 lượt cơ sở. Theo đó, đã xử phạt 53 trường hợp với tổng số tiền gần 208 triệu đồng; đồng thời, tiêu hủy 1.561kg động vật và sản phẩm động vật không đảm bảo ATTP.

Sớm kiện toàn bộ máy quản lý

Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của Hà Nội trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo điều hành hoạt động này, bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa các đơn vị… Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cũng được quan tâm. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh…

Dù vậy, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Thị Thu Hằng, lực lượng làm công tác quản lý ATTP tại tuyến quận, huyện, xã, phường thường xuyên thay đổi; chuyên môn cũng chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền các cấp chưa hiệu quả.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm minh, chủ yếu là nhắc nhở nên tình trạng vi phạm ATTP ít được cải thiện, đặc biệt là đối với cơ sở nhỏ lẻ...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị UBND TP sớm chỉ đạo kiện toàn bộ máy quản lý ATTP, chế biến và thương mại nông sản các cấp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo. Từ đó có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí nhằm tăng cường các hoạt động tập huấn, từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác ATTP các cấp.