Ông có ý kiến gì về việc, hiện đang có những tranh luận nên hay không công khai những người sử dụng bằng giả ngành Ngôn ngữ tiếng Anh do trường ĐH Đông Đô cấp?- Đây là vấn đề minh bạch, cần phải chỉ rõ ra. Vụ việc trường ĐH Đông Đô có hai trường hợp, thứ nhất là nạn nhân bị lừa bởi không biết nhà trường đào tạo ngành Ngôn ngữ tiếng Anh chui thì không bị nêu tên. Nhưng họ có lỗi vì không tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký học nên tấm bằng đó không có tính pháp lý, phải hủy bỏ. Trường hợp đăng ký nhưng không học ngày nào mà nộp tiền lấy tấm bằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, văn bằng bị hủy bỏ; họ phải bị truy tố và công khai danh tính để cảnh tỉnh.
Theo ông, đã đến lúc các cơ quan Nhà nước thay đổi quy định tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ, thay cho yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ đẹp?- Tôi nghĩ, văn bằng, chứng chỉ không phải là yêu cầu tuyệt đối, mà là thước đo khi tuyển dụng, đề bạt cán bộ nhưng phải từ học thật, thi thật. Nếu bây giờ tuyển dụng, đề bạt cán bộ mà không quy định văn bằng, chứng chỉ thì lấy gì làm tiêu chí?
Thực tế cho thấy có những người không bằng cấp nhưng sáng chế ra máy bay. Đôi khi, có ông tiến sĩ lại không làm được lãnh đạo; ngược lại, người có bằng cử nhân lại làm công tác quản lý rất tốt. Vì thế, chúng ta phải xem xét giữa bằng cấp và thực tế, không tuyệt đối hóa tiêu chuẩn.
Từ vụ việc trường ĐH Đông Đô cũng đặt ra việc Bộ GD&ĐT có cách quản lý thế nào khi trường ĐH có quyền tự chủ ngày càng cao?- Trường ĐH được tự chủ không có nghĩa muốn làm gì cũng được. Trường ĐH tự chủ phải trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà trường muốn tự chủ trong tuyển sinh thì phải có đề án để Bộ GD&ĐT xem xét có khả năng không. Các trường ĐH muốn tự chủ thì phải có Hội đồng trường thực hiện theo đúng chức năng và quy định. Hội đồng trường chính là tay chân của Bộ GD&ĐT, hoạt động dân chủ, giúp Bộ kiểm tra hoạt động của nhà trường. Khi Hội đồng trường làm tốt nhiệm vụ giúp cho vấn đề thực thi tự chủ một cách đúng đắn. Còn Thanh tra của Bộ chỉ xem xét những vụ việc quá rõ ràng để có cách xử lý.
Xin cảm ơn ông!