Quản lý chặt, khai thác hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, bằng việc cho nông dân vay vốn Quỹ Khuyến nông không tính lợi nhuận, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tạo cơ hội cho hàng ngàn hộ nông dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, để Quỹ hoạt động hiệu quả, Trung tâm luôn xác định việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn là nhiệm vụ trọng tâm.

Hiệu quả từ đồng vốn ưu đãi

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Giáp Long, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín là một trong những mô hình tiêu biểu về sản xuất chăn nuôi có hiệu quả của huyện. Năm 2012, được Trạm Khuyến nông Thường Tín cho vay 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Khuyến nông TP để chăn nuôi lợn, trang trại của gia đình ông luôn duy trì nuôi trên 20 con lợn nái và 100 – 200 con lợn thịt. Ngoài ra, ông Minh còn tận dụng nguồn đất sẵn có trồng thêm 1.000 gốc bưởi Diễn, 500 gốc nhãn, xây bể nuôi ba ba thương phẩm và hơn 6 mẫu mặt nước nuôi thả cá. Mỗi năm, trang trại của gia đình ông Minh cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Với mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, năm 2014, sau khi đã đáo hạn vốn vay, ông Minh làm hồ sơ vay vốn Quỹ Khuyến nông lần 2 với số tiền 500 triệu đồng.
Hội đồng thẩm định Quỹ Khuyến nông TP kiểm tra thực tế trang trại của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Giáp Long, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín.
Hội đồng thẩm định Quỹ Khuyến nông TP kiểm tra thực tế trang trại của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Giáp Long, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hưng, ở thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo cũng là một trong 15 hộ nông dân trên địa bàn huyện Thường Tín có phương án được phê duyệt vay vốn Quỹ Khuyến nông năm 2015. Ông Hưng mong muốn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi lợn sinh học và thả cá. Ông chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi thường xuyên nuôi 100 con lợn thương phẩm nhưng 2 năm trở lại đây chuyển sang nuôi lợn sinh học và nhận thấy cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để tăng đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi lợn sinh học thì đòi hỏi nguồn vốn lớn quá sức của gia đình. Rất may, chúng tôi đã được Quỹ Khuyến nông TP hỗ trợ cho vay vốn".

Bà Vũ Thị Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, không chỉ Thường Tín mà 20 quận, huyện khác trên địa bàn TP đã được Trung tâm Khuyến nông triển khai nguồn vốn Quỹ Khuyến nông. Điều đáng mừng là hầu hết các hộ dân vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Nhờ đồng vốn hỗ trợ kịp thời của Trung tâm mà nhiều hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Quản lý chặt chẽ

Năm 2015, Quỹ Khuyến nông TP đạt 150 tỷ đồng, trong đó có 113 tỷ đồng là số vốn từ ngân sách TP, còn lại là trích bổ sung từ nguồn phí quản lý Quỹ. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã triển khai 2 đợt thẩm định với 40 phương án được phê duyệt, tương đương số vốn sẽ được giải ngân 44 tỷ đồng (trung bình đạt 100 triệu đồng/phương án). Tuy nhiên, để nguồn vốn của Quỹ đến đúng địa chỉ, tránh thất thoát, rủi ro, Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo các trạm Khuyến nông cử cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Ông Nguyễn Hồng Thái - Trưởng phòng Quản lý Quỹ Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hiện nay, Hội đồng thẩm định Khuyến nông TP và cơ sở đang thẩm định các phương án, dự án vay vốn Quỹ Khuyến nông năm 2015 của các hộ nông dân trên địa bàn TP. Qua rà soát, kiểm tra thực tế, Hội đồng thẩm định sẽ căn cứ vào điều kiện thế chấp tài sản của từng hộ để phê duyệt lượng vốn vay (tối đa là 500 triệu đồng). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ Khuyến nông, Trung tâm rút ngắn tối đa thời gian từ khi thẩm định đến khi giải ngân nguồn vốn vay chỉ trong khoảng một tháng. Các thủ tục vay vốn cũng được xem xét, giải quyết nhanh chóng, dễ dàng.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên có một số hộ trả nợ vốn vay chậm, song tỷ lệ nợ quá hạn vẫn ở mức an toàn. Đối với các hộ vay vốn đã hết hạn cho vay, Trung tâm yêu cầu các hộ này viết đơn xin gia hạn. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng cử cán bộ kiểm tra thực tế, nếu hộ gia đình nào thực sự khó khăn thì mới đồng ý cho gia hạn. Đối với những hộ có nhu cầu vay vốn lần 2 thì phải đáp ứng điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.