Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý giống cây trồng còn nhiều bất cập

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/6, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý giống cây trồng” và giới thiệu cẩm nang “Hạt giống cho mọi người”.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cả nước có 652 tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng được các tỉnh, TP cấp mã số. Trong đó có 298 công ty giống, 79 trung tâm giống, còn lại là các hộ tư nhân, tổ hợp tác, HTX… Về công nhận giống cây trồng, Danh mục giống cây trồng nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam gồm 834 giống, trong đó một số giống cây chủ lực gồm 344 giống lúa, 146 giống ngô, 25 giống lạc…
 Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quản lý giống cây trồng tại hội thảo.
Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, hiện nay lượng giống lúa cơ bản sản xuất được trong nước đáp ứng trên 80%, số còn lại nhập từ nước ngoài. Giống ngô sản xuất tại trong nước mới đáp ứng được 40%, các loại giống cây trồng khác như cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp chủ yếu là sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ, ngành giống cây trồng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của toàn ngành nông nghiệp thì có 7 mặt hàng từ lĩnh vực trồng trọt là lúa, cà phê, điều, rau quả, cao su, sắn và hồ tiêu. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định, ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành. Đó là các quy định của Pháp lệnh giống cây trồng và văn bản hướng dẫn hiện nay chủ yếu công nhận giống cây trồng theo tiêu chí năng suất. Đối với các tiêu chí về chất lượng, chống chịu sâu bệnh thì chưa có tiêu chí cụ thể. Hơn nữa Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004 mới chỉ quan tâm nhiều dến các loại giống cây lương thực và cây ngắn ngày, còn giông cây dài ngày chưa được quan tâm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng giống cũng còn nhiều vấn đề nổi cộm do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đến nay vẫn chưa được xây dựng đầy đủ và ban hành kịp thời. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành không phản ánh đầy đủ các quy định và yêu cầu kỹ thuật về chất lượng giống.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong quản lý giống cây trồng của các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ… Đặc biệt là vấn đề ban hành Luật giống cây trồng, cơ chế chứng nhận giống tự nguyện, khuyến khích tư nhân tham gia sản xuất giống… Đây sẽ là kinh nghiệm quý báu để Việt Nam hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng.