70 năm giải phóng Thủ đô

Quản lý kinh doanh thực phẩm bán online: Luật chưa theo kịp thực tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ câu chuyện 1.290 khách hàng mua online 1.559 hộp pate Minh Chay có chứa vi khuẩn và độc tố, cho thấy vẫn còn nhiều kẽ hở trong quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm online. Thực tế, kinh doanh thực phẩm online đang phát huy thế mạnh nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Mua thực phẩm chợ online coi chừng “tiền mất tật mang”. Ảnh: Trần Dũng
Quảng cáo một đường, chất lượng một nẻo
Khi dịch Covid-19 diễn biến khó lường, người dân ngại tiếp xúc trực tiếp dẫn đến nhu cầu mua sắm online tăng cao, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các gian hàng kinh doanh thực phẩm online trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... Hầu hết các gian hàng đều đưa ra các quảng cáo, cam kết đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên, không phải lúc nào chất lượng hàng hóa cũng giống như quảng cáo.

Chị Nguyễn Phương Anh, trú ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng phản ánh: “Vừa qua tôi đặt mua mực, cua, trứng gà non tại tài khoản Facbook Chợ hải sản, người bán khẳng định chất lượng bảo đảm tươi ngon, không ngon sẽ trả lại tiền. Thế nhưng khi nhận hàng thì thấy cua rụng càng, mực một nắng lại là hàng đông lạnh không phải loại một nắng như đã đặt... Khi gọi điện phản ảnh thì chủ cửa hàng chỉ nói lần sau mua hàng sẽ giảm giá 30%, không chịu trả lại tiền như cam kết". Qua tìm hiểu các gian hàng kinh doanh thực phẩm online cho thấy, phần lớn mặt hàng thực phẩm rao bán đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có địa chỉ kinh doanh...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở này đều là kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...

Lỗ hổng pháp lý

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải, việc kiểm soát kinh doanh thực phẩm bằng hình thức online không hề dễ dàng khi có rất nhiều tài khoản rao bán thực phẩm nhưng chỉ là trung gian, không có sản phẩm, không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể. “Một bộ phận người tiêu dùng lại không mấy quan tâm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà chủ yếu quan tâm tới giá cả. Như vậy, chính người tiêu dùng khi thực hiện mua bán trực tuyến cũng đã góp phần tạo ra “đất sống” cho các gian hàng kinh doanh thực phẩm online” - ông Hải chia sẻ.

Đồng tình với phản ánh này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho rằng, rất khó kiểm soát kinh doanh tại các kênh bán hàng trực tuyến vì người bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 90% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ. Việc tìm ra đầu mối cung cấp hàng lậu, hàng giả còn gian nan hơn vì các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh. “Luật quy định: Sản phẩm do ai bán thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Thế nhưng, chỉ có các sàn thương mại, website của DN đăng ký với cơ quan chức năng mới xác định được pháp nhân. Còn hầu hết địa chỉ bán hàng của các cá nhân trên mạng là ảo nên không thể khiếu nại, khiếu kiện và quy trách nhiệm người bán. Nhiều trường hợp khi người tiêu dùng phản hồi tiêu cực thì ngay lập tức khóa tài khoản. Điều này khiến công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng càng trở nên khó khăn”- ông Hùng dẫn chứng.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh online đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, người bán, người mua, tuy nhiên, hiện nhiều quy định để quản lý kinh doanh online chưa theo kịp thực tiễn. Do đó, để loại hình kinh doanh này đi vào nền nếp, Nhà nước không bị thất thu thuế, người tiêu dùng không mua phải các sản phẩm kém chất lượng, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường điện tử, từ đó giúp hoạt động kinh doanh online phát triển bền vững.
Để tránh mua phải thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, điều đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Cụ thể, khi mua hàng cần tìm hiểu thật kỹ, xem gian hàng đó có uy tín hay không, tuyệt đối không mua thực phẩm ở những Fanpage không có thông tin người bán và địa chỉ không rõ ràng. 

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải