Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý mạng lưới trường, nhóm lớp mầm non tư thục: Đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa phải đảm bảo đúng luật

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/4, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội do ông Trần Thế Cương làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát và làm việc tại huyện Đông Anh.

Cùng tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TP Lê Thị Thu Hằng. 
Triển khai kế hoạch giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với trường mầm non (MN), trường mẫu giáo (MG), nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2015 đến nay, Đoàn giám sát đã đến khảo sát thực tế tại 6 cơ sở MN tư thục tại 2 xã Kim Chung, Vân Nội, gồm: 4 nhóm lớp MN tư thục Hoa Hướng Dương, Chuông Vàng, Họa Mi, Asami; Trường MN tư thục Bắc Thăng Long; Trung tâm ngoại ngữ Apex (đang trình hồ sơ xin phép mở nhóm lớp MN song ngữ).
 Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương phát biểu tại UBND huyện Đông Anh
“Cung” còn xa so với “cầu”

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh Dương Thị Sáu cho biết: Là một địa bàn có các KCN phát triển, Đông Anh có dân số 381.450 người, 63.000 công nhân đang lao động và sinh sống. Mạng lưới trường MN gồm 36 trường công lập, 19 trường tư thục, 81 nhóm trẻ độc lập tư thục, với 3.135 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học MN, trong đó 662 người tại khu vực ngoài công lập.

Bên cạnh một số thuận lợi trong công tác đầu tư phát triển hệ thống trường, nhóm lớp MN thì tại huyện đang gặp không ít khó khăn do tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh, số trẻ MN đến trường tăng 800 - 1.000 trẻ/năm, nhất là ở KCN có số trẻ vừa tăng nhanh vừa không ổn định. Các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập phát triển nhanh, đến nay toàn huyện có 35 nhóm trẻ, lớp MG độc lập tư thục có quy mô số trẻ/lớp vượt quá quy định, điều lệ trường MN; đồng thời, các cơ sở giáo dục MN tại KCN - KCX chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của cha mẹ.

Điển hình tại xã Kim Chung, trao đổi với đoàn giám sát, lãnh đạo UBND xã cũng phản ánh, hiện nhu cầu gửi MN của xã là gần 4.000 trẻ nhưng xã có tổng số 2 trường công lập, 1 trường và 12 nhóm lớp MN tư thục tại xã mới đáp ứng được gần 3.000 trẻ.

Từ thực tế đó, UBND huyện kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét sửa đổi Điều lệ trường MN (Điều 14) và Thông tư 13 ngày 30/6/2015 về việc ban hành Quy chế và tổ chức hoạt động của trường MN tư thục, cho phép các nhóm trẻ tuyển sinh không quá 100 trẻ nếu đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ.

Đối với TP, huyện đề nghị HĐND TP ban hành nghị quyết về hỗ trợ giáo dục MN của TP, trong đó cấp định mức cho trẻ học ở các cơ sở ngoài công lập như trẻ học trong trường công lập; UBND TP tăng cường chỉ đạo các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho con em KCN, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi trong đó có trường MN, đảm bảo an sinh xã hội cho con em công nhân KCN. Đồng thời, cần tăng biên chế cho các phòng GD&ĐT để phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, UBND cấp xã trong quản lý trường, nhóm trẻ, lớp độc lập tư thục trên địa bàn…
 Khảo sát tại Nhóm lớp MN tư thục Hoa Hướng Dương

Tại đây, Giám đốc BQL Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh phản ánh, với dự án trường MN tại thôn Bầu, xã Kim Chung trên diện tích gần 4.000m2, theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt 2 tầng, 6 lớp, tối đa 170 trẻ, căn cứ nhu cầu thực tế, huyện trình dự án nâng lên 3 tầng, tối đa 360 trẻ, song đến nay qua nhiều sở, ngành, vẫn yêu cầu huyện “bó cứng” theo luật để đảm bảo quy hoạch. Hơn nữa, việc trình, duyệt… qua nhiều bước, nhiều sở ngành nên dự án rất chậm trễ. Đại diện đơn vị này cũng kiến nghị các nhà đầu tư khi đầu tư KCN cần quan tâm cả hạ tầng kỹ thuật và xã hội, trong đó hạ tầng xã hội cần được tính toán ngay khi hình thành KCN, tránh đẩy sức ép về phía địa phương.
Tránh thành lập tràn lan nhóm lớp tư thục

Trước thực tế khảo sát và lắng nghe ý kiến từ huyện cùng các xã, đoàn giám sát ghi nhận, lãnh đạo huyện Đông Anh rất quan tâm chỉ đạo chăm lo mảng giáo dục MN, MG, với nhiều văn bản chỉ đạo triển khai. 100% chủ trường, chủ nhóm lớp có đủ bằng cấp quy định; giáo viên, nhân viên đảm bảo các yếu tố chăm sóc nhóm trẻ; nhiều cơ sở cố gắng đảm bảo các điều kiện vật chất cho trường, lớp…

Tuy nhiên, công tác này vẫn thể hiện một số hạn chế nổi bật, đó là đến nay còn 6 nhóm trẻ chưa được cấp phép (đang hoàn thiện hồ sơ), nên UBND huyện cần chỉ đạo các xã nhanh chóng xem xét những nhóm đảm bảo quy định thì sớm cấp phép. Đồng thời, còn 35/949 nhóm trẻ, lớp MG có số trẻ trong 1 lớp vượt quá quy định cho phép. Đặc biệt, một số lớp có cơ sở vật chất chưa đảm bảo an toàn cho trẻ, trong đó có lớp ở tầng 2 chung cư mini, chỉ rộng khoảng 50m2 chia ra 3 lớp học, rất ngột ngạt, bình chữa cháy sản xuất từ năm 2008…

Ngoài ra, tỷ lệ giáo viên, nhân viên đóng BHXH tại các nhóm trẻ, MG tư thục mới đạt 24%; việc mua bán, chuyển nhượng nhiều nhóm lớp không đúng căn cứ pháp lý.

“Nhiều cơ sở MN tư thục chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu khu bếp đúng quy chuẩn từ sơ chế đến nấu chín, thiếu đồ dùng dạy học; có cô giáo chưa đạt trình độ sư phạm…” Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, và cũng cho hay: Năm 2016, UBND TP có quyết định xây dựng 1 trường MN tại xã Kim Chung bằng ngân sách TP, tháng 4/2016 Bí thư Thành ủy khi đối thoại với công nhân KCN Bắc Thăng Long cũng đã yêu cầu UBND TP sớm triển khai, song đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
 Trường MN tư thục Bắc Thăng Long

Từ thực tế này, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương khẳng định: Ban đã và đang tiếp tục kiến nghị việc thành lập các nhóm trẻ tư thục cần rất hạn chế, mà nên gom các nhóm, đến khi hội đủ điều kiện thì thành lập trường, khi đó sẽ quy củ, ngăn nắp, phụ huynh sẽ yên tâm. “Chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi trong Nghị định 46/CP và Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT về vấn đề này”, ông Cương nêu rõ.

Về tiến độ xây trường MN tại xã Kim Chung, theo Trưởng đoàn giám sát, môi trường học tập tại xã đang rất hạn chế, nên việc thành lập trường MN ở đây có ý nghĩa rất lớn. Chia sẻ với các sở ngành về việc phải làm đúng theo luật, ông Cương cũng đề nghị, các sở, ngành chức năng cần đề xuất điều chỉnh quy hoạch, từ 2 tầng thành 3 tầng, đáp ứng nhiều lớp học hơn, để đáp ứng nhu cầu thực tế, giải quyết khó khăn cho địa phương.

“Chúng tôi sẽ đề xuất Thành ủy-UBND TP chỉ đạo xem xét tùy điều kiện đặc thù từng nơi để cho phép điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng tại các dự án trường học tại các huyện (trước đây mới cho phép ở các quận). UBND huyện Đông Anh và các sở, ngành cần bàn bạc cụ thể để đầu tư hiệu quả, miễn đảm bảo không lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước”, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP nhấn mạnh và đề nghị: Huyện cần tăng cường công tác quản lý các trường, nhóm lớp MN, MG tư thục, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát thông qua phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể khu dân cư, tránh thành lập các nhóm lớp một cách tràn lan.