Quản lý nhà văn hóa xã, phường: Vướng từ cơ chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà văn hóa phường Dịch Vọng. Ảnh: Công Trình

Theo Thông tư số 12 ngày 22/12/2010 của Bộ VHTT&DL quy định về mẫu tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa, thể thao (VHTT) xã,  phường các nhà văn hóa chỉ được phép tổ chức các hoạt động VHTT, vui chơi giải trí… Thế nhưng, nếu “áp” nguyên Thông tư này vào thực tế, nhiều nhà văn hóa từ xã đến phường sẽ sớm rơi vào cảnh chợ chiều.

 
Cho thuê một phần diện tích đang là nguồn sống chính của Nhà văn hóa phường Dịch Vọng.  	Ảnh: Công Trình
Kinhtedothi - Nhà văn hóa phường Dịch Vọng. Ảnh: Công Trình
Đụng đâu cũng thấy sai phạm
Theo quy định, nhà văn hóa phường là nơi tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động VHTT, vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt VHTT dân tộc; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ VHTT cho Nhân dân; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp Nhân dân tham gia mọi hoạt động VHTT; phục vụ các nhiệm vụ KT - XH của địa phương. Tuy nhiên, nếu đem những quy định trên áp dụng vào thực tế có thể thấy hầu hết các nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội đều vi phạm.

Bởi từ lâu nay, phần lớn các nhà văn hóa phường, xã trên địa bàn Hà Nội ngoài việc thực hiện đúng theo các quy định trên còn phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác như, nơi trông giữ phương tiện, điểm bán nước giải khát…

Đơn cử, tại Nhà văn hóa phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), từ năm 2013, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ phường Dịch Vọng, UBND phường Dịch Vọng đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty ID Thủ đô để khai thác 1 phòng chiếu phim 3D và sử dụng 2/3 phần sân vườn để tổ chức thành quán cafe, nước giải khát phục vụ người dân đến sinh hoạt tại Nhà văn hóa, làm nơi chờ của phụ huynh học sinh tham gia tập luyện tại các câu lạc bộ. Điều đáng nói, tình trạng trên không chỉ diễn ra tại phường Dịch Vọng, mà đã và đang diễn ra tại nhiều phường, xã trên địa bàn TP, đặc biệt là những khu vực đông dân cư, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Cần cơ chế đặc thù
Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân về việc đơn vị liên kết tổ chức các hoạt động gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như hoạt động VHTT của người dân.
Ông Nguyễn Đình Hy -  Bí thư chi bộ Khu dân cư số 3,
phường Dịch Vọng

Lý giải về việc sử dụng một phần diện tích Nhà văn hóa để cho thuê làm dịch vụ, ông Lương Mậu Hùng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết, ban đầu khu vực hiện đang được cho thuê chỉ là một khu đất trống, cỏ mọc um tùm, gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Do đó, Đảng bộ phường Dịch Vọng đã thống nhất chỉnh trang toàn bộ sân vườn phía trước để tổ chức các dịch vụ khai thác phục vụ Nhân dân bằng hình thức hợp tác với các tổ chức có chức năng chuyên môn. “Biện pháp này không chỉ đảm bảo mỹ quan, vệ sinh đô thị mà còn tiếp tục đẩy mạnh cộng tác xã hội hóa, hợp tác, khai thác quản lý Nhà văn hóa phường tạo nguồn ngân sách để duy trì hoạt động Nhà văn hóa cũng như kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa khác” - ông Hùng cho biết. Được biết, từ năm 2014 đến nay, đây cũng là chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm được quận Cầu Giấy phân bổ cho phường để đáp ứng các khoản chi về hoạt động xã hội và văn hóa tại các khu dân cư.

Trong khi đó, đề cập đến những tồn tại trong công tác quản lý Nhà văn hóa trên địa bàn, bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, Thông tư 12 của Bộ VHTT&DL hiện đang bộc lộ một số vấn đề chưa sát, phù hợp với thực tế. Cụ thể, theo bà Dung, hiện Thông tư 12 chưa hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng kinh phí của Nhà văn hóa. Ngoài ra, hiện những quy định về diện tích Nhà văn hóa, sân bóng của Trung tâm VHTT cấp xã cũng chưa thật sự phù hợp…

Cũng theo bà Dung, trong thời gian chờ đợi Bộ VHTT&DL có những điều chỉnh phù hợp đề nghị các cơ quan chức năng liên quan có văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện thực hiện công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại Nhà văn hóa phường, vì đối với Hà Nội, nhà văn hóa, nhà họp tổ dân phố, nhà sinh hoạt cộng đồng các phường có đặc thù riêng cần có văn bản điều chỉnh quản lý, để tạo ngân sách cho việc hoạt động của Nhà văn hóa phường, tránh tình trạng hoang hóa, hoạt động kém hiệu quả.